Dùng vỏ nhuyễn thể nuôi nhuyễn thể

Du khách đến Thanh Lân ngoài sự ngưỡng mộ nhiều bãi biển đẹp, còn rất thích thú khi thưởng thức các món hải sản như sò điệp nướng, cơ trai xào... Đây là những loài nhuyễn thể có vỏ cứng, rất khó tiêu hủy ngoài tự nhiên, từng là vấn đề môi trường nan giải ở Thanh Lân.

Thanh Lân có 8 cơ sở dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch với 84 phòng, 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 4 điểm mua sắm, có thể đón tiếp khoảng 400 khách/ngày. Khách đến Thanh Lân đều thích thưởng thức các món từ nhuyễn thể, vậy là qua nhiều năm, các vỏ nhuyễn thể tích lại thành các đống lớn. Tuy xã cũng đã yêu cầu người dân đổ vỏ nhuyễn thể đúng nơi quy định, thế nhưng hàng năm số lượng vỏ nhuyễn thể ước tính lên tới khoảng 40 tấn/năm vẫn cứ là vấn đề nan giải.

Bởi lẽ, vỏ nhuyễn thể phải mất hàng trăm năm mới phân hủy được nên cứ tích tụ thành đống lớn, khiến các “nơi quy định” cũng không còn chỗ chứa, trở thành mối lo không nhỏ về môi trường của xã. Vỏ nhuyễn thể như trai, ngao, sò điệp khi vỡ có cạnh sắc, con cầu gai có gai nhọn. Còn loài trai lấy cơ, ngư dân chỉ bổ ra lấy phần cơ (cơ trai) làm thức ăn, rồi bỏ cả phần ruột còn lại, tạo mùi rất hôi thối ngoài môi trường khi có số lượng lớn.

Vỏ nhuyễn thể khi thải ra môi trường rất khó tiêu hủy, lại nguy hiểm vì chúng có cạnh sắc

Vỏ nhuyễn thể khi thải ra môi trường rất khó tiêu hủy, lại nguy hiểm vì chúng có cạnh sắc

Từ năm 2019, các mối lo này của cán bộ và người dân xã Thanh Lân đã dần được tiêu tan, khi mô hình tận dụng vỏ nhuyễn thể để nuôi nhuyễn thể của chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Lân ra đời.

Đã nhiều lần, chị Huyền đi thăm các mô hình nuôi hàu ở Vân Đồn, chị Huyền nhận thấy, người nuôi hàu thường xâu các vỏ hàu thành từng dây rồi thả xuống biển, để các cá thể hàu bám vào sinh sống. Nguồn nguyên liệu vỏ hàu thường rất thiếu. Có lúc, chị Huyền tự đặt ra câu hỏi tại sao không thể thay thế vỏ hàu bằng các nguyên liệu khác dễ kiếm hơn.

Qua tìm hiểu, chị Huyền nhận thấy rằng, các vỏ sò, ngao, hàu.. khi đã bỏ đi vẫn chứa chất dinh dưỡng. Nhiều quốc gia còn nghiền vỏ sò ra làm thức ăn cho gia súc, thậm chí trong bài thuốc chữa đau dạ dày có cả vỏ sò. Chị Huyền nghĩ, như vậy vỏ nhuyễn thể bị vất ra môi trường, vô tình ta đã bỏ đi một nguồn dinh dưỡng có giá trị.

Chị Nguyễn Thị Huyền giới thiệu sản phẩm trước giao cho các cơ sở nuôi hàu.

Vậy là, chị Huyền đến các cơ sở nuôi hàu để tiếp thị. Ban đầu, một số nơi nuôi hàu theo kiểu truyền thống cũng phân vân, nhưng sau được nghe chị Huyền thuyết phục, họ cũng quyết định thử xem thế nào.

Chị tập hợp chị em phụ nữ xã cùng tham gia và được chị em nhiệt liệt hưởng ứng. Mô hình đã thu hút được 76 hội viên. Các chị em cùng họp bàn về việc thu gom vỏ nhuyễn thể đúng nơi quy định, ruột con trai sau khi lấy phần cơ, phần ruột gom lại để các hộ chăn nuôi làm thức ăn cho gia súc.

Chị Nguyễn Thị Huyền cho chúng tôi biết: “Năm qua, chị em phụ nữ Thanh Lân chúng tôi đã làm được 18.000 xâu vỏ nhuyễn thể, ước tính đã tận dụng gần trăm tấn vỏ và đã có 2 cơ sở nuôi hàu ở huyện Vân Đồn thu mua để nuôi trồng thử nghiệm. Kết quả, hàu nuôi từ vỏ sò điệp, bạt mai.. có chất lượng tốt hơn nuôi từ vỏ hàu, có lẽ do từ vỏ các loài nhuyễn thể này có nhiều dinh dưỡng hơn”.

Công việc đã tạo việc làm cho nhiều chị em là hội viên phụ nữ xã Thanh Lân.

Bà Phạm Thị Lự, thôn 3, là một trong số các hội viên tham gia mô hình, cho hay: “Gia đình tôi mới thoát nghèo, tham gia mô hình dùng vỏ nhuyễn thể nuôi nhuyễn thể của chị Huyền, chúng tôi được trả công 350.000 đồng/ngày nên có khoản thu, tránh nguy cơ tái nghèo. Chúng tôi nếu làm chăm chỉ cũng có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng theo thời vụ. Nhiều chị em lại tận dụng ruột nhuyễn thể để nuôi gia súc, vừa có thêm thu nhập từ chăn nuôi, lại tránh hủy hoại môi trường”.

Chị Nguyễn Thị Huyền cho biết thêm: “Chúng tôi đang nghiên cứu mở rộng thêm thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm vẫn còn mới lạ nhưng chắc chắn nó sẽ có hướng đi tốt”.

Vậy là, từ chỗ vỏ nhuyễn thể không biết sẽ phải xử lý thế nào thì đến nay có bao nhiêu cũng xử lý hết. Theo chị Huyền, khi mà các cơ sở nuôi hàu nắm bắt được điều này thì nguồn nguyên liệu hàng năm để tạo các dây nuôi hàu sẽ là rất lớn.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/dung-vo-nhuyen-the-nuoi-nhuyen-the-2493271/