Đừng vì sự khác biệt trong trí thông minh mà khiến con thêm tự ti

Đừng vì sự khác biệt trong trí thông minh mà khiến con thêm tự ti

Dù ngày xưa mang thai đã cho con ăn trứng ngỗng đầy đủ, rồi cho con uống sữa ngoại, thuốc bổ đắt tiền nhưng tại sao con nhà mình chẳng thông minh bằng một góc con nhà người ta?

Anh đi làm về thì thấy vợ đang mắng cậu con trai lớp 3 vì bị điểm kém môn toán. Một lúc sau, cô lại quát đến khàn cổ để nhắc giúp con học thuộc lòng bài thơ lục bát có bốn câu. Tội nghiệp thằng bé, càng bị mắng càng rối, đọc câu này xọ câu kia. Vợ anh giận con trai nên mắng luôn cả con gái út vì tội học đến lớp lá mà chưa thuộc bảng chữ cái, chỉ biết đếm số. Lại thêm tật thích vẽ bậy, chỗ nào cũng vẽ, từ tường nhà vệ sinh cho đến tường phòng khách.

Vào giường ngủ mà vợ anh vẫn hậm hực vì sự kém cỏi của con. Cô thắc mắc ngày xưa mang thai đã cho con ăn trứng ngỗng đầy đủ, rồi cho con uống sữa ngoại, thuốc bổ đắt tiền mà con nhà mình chẳng thông minh bằng một góc con nhà người ta? Mỗi ngày hai vợ chồng đều “đau đáu” chuyện “con nhà người ta”. Con trai chị thủ quỹ được giải nhì giải toán Casio miền Nam, con gái cô lễ tân đạt giải viết thư UPU, con trai chị tạp vụ còn được đi thi học sinh giỏi toán cấp quận. Mà hai vợ chồng có kém cỏi gì, anh thì giỏi kinh doanh, cô cũng thạc sỹ kinh tế.

Không phải hai vợ chồng không thương con, mà cứ nghĩ sau này con ra đời sẽ thua thiệt con người khác. Đàn ông con trai, nếu không có sự nghiệp tiền tài thì làm sao lo cho vợ con? Nếu không có ước mơ hoài bão thì có đáng mặt nam nhi? Những nỗi lo cứ thế xoay vần, nhớ ra những quyển sách kê đầu giường gần đây như “Khúc chiến ca của mẹ hổ” rồi “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, hai vợ chồng lại lôi con ra “yêu thương tàn nhẫn”.

Nhiều bậc cha mẹ luôn muốn con mình phải hoàn hảo trọn vẹn mọi mặt.

Nhiều bậc cha mẹ luôn muốn con mình phải hoàn hảo trọn vẹn mọi mặt.

Anh cũng thắc mắc vì thấy con trai khá nhanh nhẹn trong việc sinh hoạt hàng ngày, thỉnh thoảng cũng nói những câu triết lý làm anh giật mình mà sao lại có vẻ chậm chạp trong học tập? Đến khi mấy ông trong tổ hưu trí đến xin phép gia đình cho thằng bé đi thi giải cờ vua của quận thì vợ chồng anh mới té ngửa. Theo lời họ thì thằng bé nhà anh rất thông minh, biết nhìn nhận và tính toán đường đi nước bước rất cẩn thận, nếu đi thi chắc chắn sẽ trở thành hạt giống đào tạo đi thi thành phố. Khách về rồi mà vợ chồng anh vẫn chưa hết ngạc nhiên. Thằng con trai thì sợ hãi ngồi cặm cụi làm bài tập không dám hó hé, còn con em gái vẫn hồn nhiên đứng vẽ lên tường từ lúc có khách đến.

Nửa đêm, vợ lay anh dậy thắc mắc đủ chuyện. Cô không hiểu sao con nhà người ta thì giỏi văn, giỏi toán còn con mình lại giỏi chơi cờ với mấy ông hưu trí. Anh cũng không rõ thằng bé biết đánh cờ vua từ lúc nào. Bảng cửu chương còn lộn lên lộn xuống, học có bài thơ bốn câu cả buổi chưa thuộc vậy mà lại được đánh giá là rất thông minh, biết nhìn nhận và tính toán đường đi nước bước rất cẩn thận? Đi hỏi ông bạn thân thì ông ấy vỗ vai bảo: “Vợ chồng mày kém! Chỉ tội thằng nhóc” rồi giảng giải cho anh về cái gọi là “trí thông minh đa dạng”.

Đừng lấy thước đo “con nhà người ta” để nhận xét con mình vì mỗi đứa trẻ có tư duy phát triển khác nhau.

Không phải thông minh là phải giỏi văn, giỏi toán, được giải này giải kia. Học thuyết “Trí thông minh đa dạng” của Tiến sĩ tâm lý Howard Gardner nói có đến 8 loại hình trí thông minh, như thằng bé thì chắc chắn có trí thông minh về tư duy, suy luận rất tốt. Anh càng nghe càng thấy đúng là vợ chồng mình… kém thật. Cái học thuyết ra đời từ năm 1983, người ta bàn luận và áp dụng ở khắp nơi mà đến giờ anh mới biết. Ngay tối đó, anh và vợ quyết tâm không để thằng bé suốt ngày nghe điệp khúc “con nhà người ta” kẻo nó nghĩ rằng mình là đứa kém thông minh thật. Và hai vợ chồng cũng không mắng đứa con gái mê đọc số và thích vẽ bậy lên tường nữa. Vì đây cũng là một loại hình trí thông minh của con trẻ cần được khuyến khích. Giờ thì chúng nó chỉ bị mắng khi ngủ đến bảnh mắt mà lười tập thể dục, hay chơi đồ chơi mà không cất lại gọn gàng.

Chắc chắn, từ nay vợ chồng anh sẽ có những phương pháp giáo dục hữu hiệu để giúp con phát triển những loại hình trí thông minh vốn có và khuyến khích con rèn luyện thêm nhiều loại hình trí thông minh khác để các con ngày càng hoàn thiện, tự tin.

Bài: Anh Đào

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/dung-vi-su-khac-biet-trong-tri-thong-minh-ma-khien-con-them-tu-ti/