Dùng vật quen thuộc xác định nước sạch, nữ sinh Đài Loan khiến SV Việt Nam bất ngờ

Chỉ bằng một dải giấy có chiều dài vỏn vẹn 10cm, rộng 0,5 cm với các cột màu được đánh dấu tương ứng với độ pH, vị trí giữa dải màu là phần giấy quỳ sẽ đổi màu tùy vào độ pH của nguồn nước thử, cô sinh viên Wang Shih-Chun đến từ Đài Loan đã gây bất ngờ cho nhiều sinh viên Việt.

Từ xưa, khi mà con người còn phải đi vài km mới tới được nguồn nước tồn tại tự nhiên như sông, suối, nước lấy được có thể sử dụng trực tiếp để uống, tắm rửa… Trước thực trạng biến đổi khí hậu, nguồn nước cũng đứng trước nhiều nguy cơ ô nhiễm. Nhiều sông, hồ nước ở Đài Loan xuất hiện tình trạng đổi màu.

Wang Shih-Chun trình diễn cho các sinh viên Việt Nam sáng chế của mình.

Wang Shih-Chun trình diễn cho các sinh viên Việt Nam sáng chế của mình.

Để xác định được tình trạng nguồn nước có bị ô nhiễm hay không, ta phải căn cứ vào 2 chỉ số: BOD (Biochemical oxygen Demand – nhu cầu oxy sinh hóa, là lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ) và COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học, là lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ).

Những chỉ số này có liên hệ trực tiếp với độ pH của nước. Nhờ vậy, thông qua độ pH của nước, có thể xác định được tình trạng mẫu nước thử có bị ô nhiễm hay không.

Sản phẩm thử mà Wang giới thiệu có hình dạng là một dải giấy dài 10 cm, rộng 0,5cm với các cột màu được đánh dấu tương ứng với độ pH, vị trí giữa dải màu là phần giấy quỳ sẽ đổi màu tùy vào độ pH của nguồn nước thử.

Người thử có thể nhìn vào thang màu đã in sẵn trên dải giấy thử để xác định độ pH của nước. Các bạn sinh viên được tự tay làm thí nghiệm và đưa ra kết quả thí nghiệm.

Có thể nói, sản phẩm nhỏ gọn là thành quả sáng tạo, được tạo nên từ góc nhìn độc đáo với những thứ đã rất quen thuộc.

Sau phần trình diễn của Wang Shih-Chun, các sinh viên Việt Nam tham dự sự kiện không khỏi bất ngờ, thán phục.

TS Đỗ Hữu Tuấn (Phó Trưởng khoa Môi trường, trường ĐH Khoa học Tự nhiên) nhận xét, điều lớn nhất mà các bạn sinh viên Đài Loan làm được, đó là sáng tạo trên những thứ tưởng như đã cũ. Các công nghệ hay tri thức mà các bạn đề cập trong nghiên cứu có thể không mới mẻ, song các bạn chọn được góc tiếp cận khác: Tìm ra cách thức để chia sẻ những kiến thức, công nghệ này đến đối tượng là các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Bằng những hình ảnh trực quan sinh động, mọi kiến thức hàn lâm đều trở nên đơn giản, dễ dàng tiếp cận và vô cùng cuốn hút. Từ đó, thông điệp về bảo vệ môi trường có thể lan tỏa một cách mạnh mẽ hơn.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dung-vat-quen-thuoc-xac-dinh-nuoc-sach-nu-sinh-dai-loan-khien-sv-viet-nam-bat-ngo-post310440.info