Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý có phù hợp?

Theo các chuyên gia pháp luật, việc TAND Tối cao lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý và dự định dựng tượng trên toàn hệ thống tòa án là việc làm không cần thiết.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. TAND Tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND Tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Theo thuyết minh của TAND Tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND Tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

 Một trong các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được lấy ý kiến

Một trong các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được lấy ý kiến

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết quan điểm về việc TAND Tối cao lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý và hoạt động xét xử cần phải được cân nhắc xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở pháp luật và lịch sử văn hóa dân tộc. Việc đặt tượng có cần thiết hay chỉ cần tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định đang là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay…

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, có nhiều điều thiết thực cần làm hơn trong giai đoạn này.

“Trong quá trình hành nghề luật sư, không ít lần sau những phiên xét xử, tôi và các luật sư đồng nghiệp bị rơi vào trạng thái chán nản bởi những bản án chưa thỏa đáng dành cho người dân, còn những kẻ phạm tội vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật mặc dù chứng cứ đã rõ ràng. Điều cần làm bây giờ là nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, nâng cao tính khách quan của thẩm phán trong xét xử” - luật sư Nguyễn Danh Huế nêu quan điểm.

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, con người mới là yếu tố then chốt cần cải cách. Có lẽ điều cần thay đổi nhất lúc này chính là nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán, nâng cao tính độc lập và khách quan của thẩm phán trong hoạt động xét xử. Đó mới là thứ cần thiết để thúc đẩy tiến bộ xã hội, để chống tham nhũng.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối nhận định, việc tôn vinh các bậc tiền nhân có công trạng đối với Nhân dân, đối với đất nước là điều nên làm, các thế hệ sau này luôn phải ghi nhớ. Tuy nhiên ý định dựng tượng vua Lý Thái Tông tại các trụ sở tòa án các cấp là không cần thiết, không có ý nghĩa mà còn lãng phí.

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dung-tuong-vua-lam-bieu-tuong-cong-ly-co-phu-hop-382558.html