Đừng tưởng chỉ 'Cá voi xanh' mới khiến người trẻ chết bất thình lình

Bất chấp mạng sống, không ít thanh thiếu niên trên thế giới đã và đang hùa theo nhiều trào lưu nguy hiểm chỉ để chứng minh bản thân ở một thế giới ảo.

Hôm 8/7 vừa qua, anh Jorge Gonzalez (Texas, Mỹ) đau đớn phát hiện con trai Isaiah Gonzalez (15 tuổi) chết tại nhà riêng trong tư thế treo cổ. Khi đó, điện thoại của Isaiah đang được dựng vào một chiếc giày và phát trực tiếp trên mạng xã hội, KSAT đưa tin.Nỗi đau mất con chưa nguôi ngoai, gia đình Gonzalez tiếp tục bàng hoàng khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy Isaiah tự tử vì trào lưu "Cá voi xanh", theo Washington Post. Trước khi qua đời, nam sinh đã gửi cho bạn bè những hình ảnh cậu thực hiện một số nhiệm vụ điên rồ của trò chơi này.

Thử thách 'Cá voi xanh' khiến người trẻ bỏ mạng 130 thiếu niên ở Nga đã thiệt mạng chỉ vì hưởng ứng trò chơi tự sát "Cá voi xanh".

Cùng với thiếu niên 15 tuổi, một cô gái sống tại thành phố Atlanta (bang Georgia) được xem là những người Mỹ đầu tiên thiệt mạng vì "Cá voi xanh".

Hôm 17/7, CNN đưa tin gia đình thiếu nữ 16 tuổi tìm thấy nhiều vết tích liên quan trò chơi trong nhà họ như bức tranh cá voi, dòng chữ Rina Palenkova (tên một nạn nhân người Nga) cùng các mẩu giấy ghép thành câu "I am a blue whale" (Tôi là Cá voi xanh).

Theo Ủy ban Điều tra của Nga, 130 bạn trẻ đã tự kết liễu cuộc đời mình khi hưởng ứng trào lưu "Cá voi xanh" trong năm 2016.

Tháng 2 vừa qua, hai nữ sinh Yulia Konstantinova (15 tuổi) và Veronika Volkova (16 tuổi) thiệt mạng khi nhảy từ mái nhà của một căn hộ ở Ust-Ilimsk, Nga. Yulia thậm chí còn đăng từ "End" (kết thúc) trên trang cá nhân và bức ảnh cá voi xanh trước khi tự sát.

Giáng sinh năm 2015, Angelina Davydova (12 tuổi) nhảy từ tầng 14 của một tòa nhà. Vụ việc xảy ra chỉ 50 ngày sau khi cô gia nhập nhóm "Wake Me Up at 4.20" (Gọi tôi dậy vào lúc 4h20).

Những con số đáng sợ và loạt cái chết thương tâm khiến nhiều người, đặc biệt là các cha mẹ, không khỏi lo ngại về ma lực từ trò chơi nguy hiểm này.

Theo CNN, Blue Whale Challenge (thử thách Cá voi xanh) được coi là trào lưu xúi giục tự tử, bắt nguồn từ Nga vào khoảng 2 năm trước. Bloomberg cho rằng tên trò chơi bắt nguồn từ ca khúc Burn của ban nhạc rock Lumen (Nga). Lời bài hát nói về cuộc đấu tranh của một con cá voi lớn để thoát khỏi tấm lưới.Người tham gia bị điều khiển bởi quản trị viên (admin), thực hiện các nhiệm vụ điên rồ trong 50 ngày như dùng dao khắc lên cánh tay hình cá voi, thức dậy lúc 4h sáng, xem phim kinh dị, giết động vật… và tự sát vào ngày cuối cùng. Khi làm nhiệm vụ, người chơi cần chụp ảnh để làm bằng chứng gửi cho admin.

Philipp Budeikin (21 tuổi, người Nga) được cho là kẻ cầm đầu, đã bị bắt để điều tra. Y bị cáo buộc xúi giục ít nhất 16 thiếu nữ tự sát, theo BBC. Bên cạnh đó, một admin khác là Ilya Sidorov (26 tuổi) cũng mới bị bỏ tù vì tội cổ vũ 30 cô gái tự tử, Independent đưa tin.

Trả lời phỏng vấn của Sky News, Oleg Kapaev - một người chơi may mắn thoát chết - nói rằng vì tò mò về trào lưu và không tin ma lực của nó nên anh quyết định tham gia.

Nam sinh cũng phải thực hiện loạt hành động đáng sợ, trong đó có tự cắt tay. Tuy nhiên, may mắn thay, cha mẹ Oleg kịp thời phát hiện hành động ngớ ngẩn của con trai nên đã ngăn cản anh nhảy từ tầng 20 xuống đất.

"Admin sẽ bắt đầu thao túng tâm lý bạn một cách chuyên nghiệp, khiến bạn dần trở nên giống zombie", Oleg kể.

Theo một số chuyên gia tâm lý, nhiều thiếu nữ phải lòng Philipp Budeikin vì họ quá thiếu thốn tình cảm, trong khi kẻ sát nhân lại biết cách quan tâm, nắm bắt tâm lý con gái.

Anton Breido - quan chức cao cấp ủa Ủy ban Điều tra Nga - cũng khẳng định: "Nhiều thanh thiếu niên sẵn sàng làm mọi thứ mà admin sai khiến, không cần biết nhiệm vụ kỳ lạ hay đáng sợ ra sao".

"Con cá voi" này cũng không quá kén chọn người chơi. Ngay cả những học sinh vốn là con ngoan, trò giỏi, không bao giờ đua đòi cũng dễ dàng trở thành "miếng mồi" của nó.

"Đó là những hành vi tồi tệ mà con trai tôi chưa bao giờ làm", anh Jorge Gonzale chia sẻ khi nhìn những bức ảnh Isaiah gửi cho bạn bè.

Gia đình cho hay họ không nhận thấy con trai có dấu hiệu muốn tự tử, thậm chí luôn tin rằng Isaiah sẽ có tương lai sáng phía trước vì cậu mới đăng ký học chương trình Quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (ROTC) ở trường.

"Ngày nào thằng bé cũng làm người khác cười. Ai trong nhà cũng nhận xét con là cậu bé tốt bụng và vui vẻ", Angela Gonzalez - mẹ nạn nhân 15 tuổi - giãi bày trên WOAI.

Không chỉ hoành hành ở Nga và Mỹ, "Cá voi xanh" đã "bơi" đến Brazil (với tên gọi Baleia Azul), Trung Quốc, Anh và nhiều quốc gia ở Đông Âu. Các nước đều đang ra sức xua đuổi, tẩy chay "con cá" nguy hiểm này.

Khi đến Trung Quốc, thử thách này còn bị biến tấu theo chiều hướng tiêu cực. Một số kẻ mạo danh admin, yêu cầu các cô gái thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh nude rồi tống tiền họ.

Tháng 5 vừa qua, nam sinh họ Xu (17 tuổi, đến từ Quảng Đông, Trung Quốc) bị bắt vì tội cố ý tan tỏa trò chơi nguy hiểm "Cá voi xanh" đến đông đảo bạn trẻ, theo South China Morning Post.

Ngoài "Cá voi xanh", nhiều trào lưu ngớ ngẩn đến mức "cạn lời" của giới trẻ cũng đã và đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia, khiến các nhà chức trách, chuyên gia đau đầu tìm cách giải quyết.Tính năng livestream (phát trực tiếp) trên một số trang mạng xã hội như Facebook, Instagram… đang nảy sinh nhiều "tác dụng phụ" nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của không ít bạn trẻ.

Cá voi xanh và loạt trào lưu đáng bị tẩy chay trong giới trẻ Thích sống ảo, đua đòi theo bạn bè, nhiều người trẻ đã phải trả giá đắt khi hưởng ứng các trào lưu nguy hiểm.

Mới đây, Nikol Barabasova (sống tại Cộng hòa Séc) mãi ra đi ở tuổi 22 khi cùng bạn thân livestream trong ôtô đang chạy với vận tốc 120 km/h. Trước đó, hoa khôi 16 tuổi Sofia Magerko và bạn gái cũng qua đời tại thành phố Kharkiv (Ukraine) vì mải livestream trên Instagram.

Chịu chung số phận hồng nhan bạc mệnh với các cô gái trên là Sitora B (22 tuổi, người Nga). Hôm 23/3, thiếu nữ xinh đẹp phải chịu cái chết rất đau đớn cũng bởi livestream khi đang lái xe. Tối 10/4, Malachi Hemphill (13 tuổi, đến từ Mỹ) vô tình tự bắn chết mình khi mải livestream với súng.

Không chỉ gây ra những cái chết bất thình lình, tính năng livestream còn được nhiều người sử dụng khi tự tử hoặc giết người. Điều này khiến Mark Zuckerberg - CEO Facebook - liên tục bị chỉ trích vì không ngăn chặn kịp thời những video có tính bạo lực, băng hoại đạo đức, theo The Sun.

Dù đã thuê thêm 3.000 nhân viên để kiểm soát các video được chia sẻ trên Facebook, tỷ phú 33 tuổi vẫn còn cả chặng đường dài để xử lý "tác dụng phụ" của livestream.

Tương tự tính năng phát trực tiếp, trào lưu chụp selfie cũng khiến hàng loạt thanh thiếu niên phải bỏ dở mọi ước mơ, dự định để đi theo thần chết.

Theo Mirror, từ tháng 1/2014 đến tháng 9/2016, ít nhất 127 người đã chết vì chụp selfie. Năm 2015, số người chết vì selfie nhiều hơn cả nạn nhân bị cá mập tấn công.

Phần lớn người trẻ phải bỏ mạng vì chọn nhầm thời điểm selfie như khi đi đường, leo núi, leo cầu thang hay tại nóc tòa nhà chọc trời. Bên cạnh đó, các "bạn diễn" như vũ khí hay động vật hoang dã cũng khiến người chụp phải trả giá đắt.

Bên cạnh đó, "hung thần" Fire Challenge (thử thách tự thiêu) cũng từng tước đoạt mạng sống của một thiếu niên 15 tuổi vào năm 2014. Nam sinh qua đời sau khi đổ chất dễ cháy lên người rồi châm lửa để biến thành ngọn đuốc sống.

"Hành động liều lĩnh này không chỉ gây nguy hiểm đối với người chơi mà còn đe dọa cuộc sống của những người xung quanh nếu chẳng may lửa bắt sang chiếc khăn hoặc tấm thảm bên cạnh.

Những vết bỏng đau đớn có thể trở thành mối lo ngại trong cuộc sống và khiến đời bạn thay đổi hoàn toàn", người phát ngôn của đội Cứu hộ và Chữa cháy hạt Humberside (Anh) cảnh báo.

Năm 2015, Eraser Challenge (thử thách tẩy da bật máu) khiến một cậu bé 13 tuổi suýt mất mạng do hội chứng sốc nhiễm độc, Today đưa tin. Quay lại vào tháng 3 năm nay, trò chơi nguy hiểm này tiếp tục để lại sẹo trên cánh tay của không ít bạn trẻ, thậm chí có người phải nhập viện vì nhiễm trùng da.

Ngoài ra, nhiều "đại dịch" khác lan truyền trong giới trẻ cũng liên tục bị lên án như Sunburn Art hay Tan Tatoo (phơi da để có hình xăm như ý), Choking Game (nhịn thở), Get Out Challenge (tẩu thoát như phim hành động), Krachap (thẩm mỹ môi sừng trâu), Vodlka Eyeballing (đổ Vodka vào mắt), Condom Challenge (đội bao cao su lên đầu), Castus Challenge (ăn xương rồng)…

Khác nhau ở tên gọi, hình thức thực hiện và mức độ nguy hiểm, song nhìn chung tất cả trào lưu kể trên đều hình thành và phát triển dưới sự tác động của mạng xã hội.TS tâm lý học người Mỹ - Harry Stratyner - cho rằng mục đích chính của thanh thiếu niên khi hùa theo các trào lưu nguy hiểm là được tung hô, trở thành tâm điểm chú ý, song đôi khi mọi chuyện lại kết thúc trong bi kịch.

Bác sĩ Wendy Sue Swanson (sống tại Seattle, Mỹ) cũng có chung quan điểm với TS Harry Stratyner khi được hỏi về ma lực của trò tẩy da bật máu: "Những đứa trẻ đang hành động theo đúng bản chất trẻ con của chúng. Thử thách này có phần liều lĩnh nhưng thực tế lại rất dễ tiếp cận bởi sự ảnh hưởng từ mạng xã hội.

Người trẻ luôn cố gắng sống trong thế giới đó, thu hút sự chú ý của người khác cũng như thể hiện sức mạnh bản thân".

Thật vậy, chỉ vì những cái like, share trên mạng xã hội, không ít bạn trẻ đã phải trả giá bằng cả mạng sống, để lại niềm đau không bao giờ nguôi cho người thân, bạn bè.

Nhưng điều đáng buồn hơn cả là sau cái chết của họ, không ít người vẫn… chết theo bởi lý do tương tự, bất chấp mọi nỗ lực của các nhà chức trách, chuyên gia và giới truyền thông.

Trong khi đó, các mạng xã hội vẫn phát triển như vũ bão vì không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà chúng mang lại. Vì thế, mỗi người dùng cần phải tỉnh táo, thông minh để bảo vệ chính mình và người thân khỏi những tác động tiêu cực từ thế giới ảo.

Sau cái chết của Isaiah Gonzalez vì "Cá voi xanh", gia đình nam sinh cũng lên tiếng khuyên các phụ huynh nên quan tâm đến con cái, bạn bè cũng cần để ý, giúp đỡ nhau nhiều hơn.

"Bạn bè của thằng bé phớt lờ những bức ảnh vì nghĩ đó chỉ là trò đùa. Nếu một trong số chúng nói nói với gia đình tôi, Isaiah đã không chết. Hãy trò chuyện thường xuyên với con cái, bạn bè của bạn hoặc bất kỳ ai. Làm ơn đảm bảo rằng họ luôn ổn", Scarlett Cantu-Gonzales - chị gái nạn nhân - giãi bày.

Hiệp hội quốc gia về ngăn chặn bạo hành trẻ em Anh (NSPCC) cũng khuyến cáo người trẻ không nên hùa theo đám đông, luôn vững vàng nếu bị dụ dỗ làm điều gì không an toàn.

Theo phát ngôn viên của Hiệp hội, để thoát khỏi cám dỗ từ bạn bè, người trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng ai cũng nên hiểu rằng họ hoàn toàn có thể từ chối làm những việc nguy hiểm. Để con nhận thức được điều này, cha mẹ có vai trò rất quan trọng.

"Hãy cam đoan với con cái rằng chúng luôn được yêu mến ngay cả khi không làm theo số đông. Từ đó, ngăn chúng làm những điều khiến mình bị hại hoặc không thoải mái", The Sun trích lời đại diện NSPCC.

Ngoài tâm lý muốn chơi trội trên mạng xã hội, không ít người trẻ còn tìm đến thế giới ảo này để giải quyết những vấn đề về tâm lý như buồn chán, cô đơn.

Theo thời gian, họ dần trở thành những "con nghiện" mạng xã hội đích thực và có những biểu hiện bất thường như lầm lì, thường xuyên cáu gắt, sức khỏe đi xuống, sức học/làm việc giảm… và những hành vi mất kiểm soát, trong đó có tự sát.

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, tự tử là nguyên nhân thứ 2 cướp đi sinh mạng của những người trẻ trong độ tuổi 15-24. Do đó, khi thấy con em có dấu hiệu nghiện mạng xã hội, cha mẹ cần đưa chúng đến ngay các cơ sở y tế để điều trị tâm thần, tránh những hậu quả không đáng có.

Phương Thảo
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dung-tuong-chi-ca-voi-xanh-moi-khien-nguoi-tre-chet-bat-thinh-linh-post766292.html