Đừng tự 'dìm' mình thêm nữa!

Tại cuộc hội thảo về sụt lún ĐBSCL được tổ chức tại thành phố Cần Thơ cuối tuần qua, kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 10 năm qua ở TPHCM và ĐBSCL đã khiến không ít người giật mình.

Theo kết quả quan trắc (chủ yếu ở nơi có đường giao thông, khu vực đô thị TPHCM và ĐBSCL) với tổng số 339 điểm, có 306 điểm bị lún 0,1-81,4cm; tốc độ lún trung bình 0,01-06,8cm mỗi năm. 33 điểm còn lại không lún, trong đó TPHCM có 5 điểm. Nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) với độ lún lên tới 81cm, nghĩa là tới khoảng 8cm mỗi năm!

Vẫn theo số liệu vừa công bố, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu dẫn đầu khu vực ĐBSCL với mức độ lún cao nhất: 52,4-62,6cm. Các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Long An... có độ lún nhỏ nhất 12,4-15,9cm.

Tuy nhiên, theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ lún cao nhất, mà nguyên nhân chính là do các đập thủy điện ở thượng nguồn làm suy giảm nguồn phù sa bùn cát. Thêm vào đó là gần 10.000 giếng khai thác nước ngầm tập trung với tổng lưu lượng khai thác khoảng 1,97 triệu m³/ngày. Riêng TPHCM đã có trên 1.900 giếng, với lưu lượng khai thác 520.000m³/ngày. Đó là chưa kể trên 1 triệu giếng quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000m³/ngày.

Trong một nghiên cứu khác, TS Tạ Thị Thoảng, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu dự báo, ở khu vực trung tâm TPHCM, nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999-2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 lần lượt là những con số rất đáng sợ: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm, có nghĩa là có thể lún tới gần 1m vào năm 2100 chỉ riêng với nguyên nhân khai thác nước ngầm!

Tất nhiên, đây không phải nguyên nhân duy nhất. Khu vực TPHCM và ĐBSCL nằm trong đồng bằng châu thổ, được tạo thành từ trầm tích “trẻ”, chủ yếu là các trầm tích hạt mịn, bề dày lớn và vẫn đang trong quá trình tự cố kết, nén chặt.

Tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các yếu tố nhân tạo và tự nhiên và là xu hướng không thể đảo ngược.

Nhưng có thể và phải làm chậm lại đến hết mức có thể bằng việc kiểm soát, ngăn chặn những nguyên nhân gây ra bởi hoạt động của con người, đồng thời chuẩn bị những giải pháp thích ứng.

Các chuyên gia địa chất thủy văn khuyến nghị, TPHCM và các đô thị trong khu vực cần đặc biệt thận trọng khi cấp phép xây dựng các công trình quy mô lớn ở các khu vực có nền đất yếu như quận 7, Nhà Bè, đường Nguyễn Hữu Cảnh…. Và dĩ nhiên, hoạt động khai thác nước ngầm cần phải hạn chế. Thành phố “quá lớn để ngăn lún”, nên bên cạnh các giải pháp nêu trên, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM nhấn mạnh, cần kết hợp đắp đê ngăn triều, chủ động tạo không gian cho nước, sử dụng các giải pháp kỹ thuật để gia cố nền đất yếu...

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dung-tu-dim-minh-them-nua-115908.html