Đừng tự biến mình thành 'miếng mồi' của nạn cho vay nặng lãi

Nạn nhân của tín dụng đen, cho vay nặng lãi và bị đòi nợ kiểu xã hội đen phần lớn là người nghèo đô thị, công nhân và đồng bào miền núi, hải đảo. Vì sự tiện lợi trước mắt, thiếu hiểu biết pháp luật, cộng một chút lòng tham mà phần lớn người dân đã tự nguyện biến thành con mồi của vấn nạn này.

"Ngân hàng" cho vay nặng lãi di động tràn ngập nơi công cộng tại Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hải

"Ngân hàng" cho vay nặng lãi di động tràn ngập nơi công cộng tại Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hải

Ngày 6.11, trả lời trước diễn đàn của HĐND TP.Đà Nẵng, GĐ Công an TP - Thiếu tướng Vũ Xuân Viên đã rành rọt nêu: Đà Nẵng đã lập danh sách 262 đối tượng sống trong TP câu kết với 64 đối tượng ngoại tỉnh (Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ…) để cho vay nặng lãi và có dấu hiệu đòi nợ thuê. Có 13 đơn vị núp bóng doanh nghiệp với danh nghĩa cầm đồ, mua bán ôtô, xe máy có biểu hiện cho vay nặng lãi.

Không chỉ ở Đà Nẵng, cả nước có trên 7.000 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê trong 4 năm qua. Chỉ từ đầu năm 2018 đến nay, Đà Nẵng đã có 46 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê...

Như vậy, có thể thấy lực lượng Công an Đà Nẵng nói riêng, các tỉnh, thành cả nước nói chung hoàn toàn nắm chắc tình hình, có thể kiểm soát cụ thể từng đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Nhưng vì sao số vụ bị bắt, khởi tố hình sự và xử lý lại rất thấp, Đà Nẵng cũng chỉ mới bắt, điều tra 2 vụ? Thiếu tướng Vũ Xuân Viên lý giải: Người nghèo ở nông thôn, công nhân và cả ở đô thị là đối tượng mà tội phạm cho vay nặng lãi nhắm đến. Loại tội phạm này đánh trúng tâm lý của người vay là giải quyết thủ tục nhanh, gọn, đơn giản. Thậm chí chỉ hứa miệng và không cần biết mục đích vay làm gì. Người vay tự nguyện, có thỏa thuận nên đây là quan hệ dân sự bình thường, diễn ra âm thầm. Đây cũng là hiện tượng đang diễn ra rộng khắp đối với đồng bào ở Tây Nguyên.

Cho đến khi người dân không trả được thì dẫn đến bị xiết của, đòi nợ nhuốm "màu sắc" xã hội đen. Đã có trường hợp giết người, gây thương tích, bắt giữ người trái phép, khủng bố tinh thần người thân... Lúc đó người dân mới báo công an. Chính vì thế, biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các loại đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Để tránh rơi vào bẫy nợ nần liên quan đến các đối tượng xã hội đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cách tốt nhất là người dân phải tự bảo vệ mình. Đừng ngại về thủ tục hành chính tại các cơ sở tín dụng hợp pháp mà tự biến mình thành con mồi dễ dãi cho các đối tượng tội phạm cho vay nặng lãi. Để công an phải vào cuộc, điều tra mang lại sự công bằng cho mình thì "được vạ má đã sưng".

Thanh Hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/dung-tu-bien-minh-thanh-mieng-moi-cua-nan-cho-vay-nang-lai-640202.ldo