Đừng truyền đi thông điệp lệch lạc về ma túy

Ma túy được sử dụng công khai ngay trong một chương trình âm nhạc được cấp phép chính thức giữa lòng Thủ đô, khiến 7 người chết vì sốc ma túy và nhiều người khác phải nhập viện…

Việc ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đi thăm các bệnh nhân trong vụ lễ hội âm nhạc gây tranh cãi trong cộng đồng

Sự việc này khiến cả xã hội bàng hoàng, lo lắng. Thay vì phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội, lại đi thăm hỏi, động viên những đối tượng chơi ma túy…

Cán bộ lãnh đạo nói chung là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, chính vì vậy, hành động, suy nghĩ, phát ngôn của họ trong một chừng mực nào đó sẽ tạo ra những định hướng xã hội. Việc lãnh đạo Thủ đô đến “thăm hỏi động viên” người sử dụng ma túy, vô hình chung tạo cho xã hội cái nhìn “bình thản” với ma túy, điều này khiến giới trẻ có thể hiểu rằng việc sử dụng ma túy không còn là hành vi đáng lên án.

Pháp luật Việt Nam không xem người sử dụng ma túy là tội phạm là vì ở khía cạnh nhân đạo, người sử dụng ma túy có thể xem là nạn nhân của xã hội. Họ vừa đáng thương vừa đáng trách. Tuy nhiên, đây không phải là hành vi được pháp luật bảo hộ. Hành vi sử dụng ma túy được xem là vi phạm hành chính và người sử dụng ma túy phải chịu xử phạt hành chính. Và về mặt xã hội, đây là hành vi đáng lên án vì tác hại của ma túy đối với bản thân người sử dụng, với gia đình, xã hội là rất lớn.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, cả nước hiện có khoảng 223.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó gần 50% là người nghiện ma túy tổng hợp, cá biệt có nhiều địa phương “mới nổi” như Trà Vinh, Đà Nẵng, Quảng Trị… số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm từ 80 – 90%. Tuổi bắt đầu sử dụng ma túy đá của nhiều thanh thiếu niên sống ở Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM là từ 16,4 - 17,3 tuổi. Những con số này cho thấy mức độ lây lan của ma túy tổng hợp đang rất khủng khiếp, đặc biệt là trong giới trẻ.

Việc ma túy tổng hợp bùng phát có một phần do nhận thức lệch lạc. Các đối tượng buôn bán ma túy tổng hợp ra sức tuyên truyền rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện, người sử dụng ít bị phụ thuộc và có thể bỏ bất cứ lúc nào, không ảnh hưởng đến sức khỏe… Trên thực tế, tác hại của ma túy tổng hợp còn kinh khủng hơn nhiều so với “ma túy truyền thống”.

Theo các chuyên gia y tế, ngoài các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện và heroin thì ma túy tổng hợp có rất nhiều loại, tên gọi khác nhau. Trên thế giới, ma túy tổng hợp hiện có trên 600 loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là Amphetamine, với tên thường gọi là “hàng đá” hay “thuốc lắc”. Hiện nay, người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có Methadone hay một số loại thuốc khác để hỗ trợ điều trị cai nghiện, còn người nghiện ma túy tổng hợp thì gần như là vô phương cứu chữa.

Người nghiện ma túy tổng hợp rất dễ bị kích động, loạn thần, không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng. Thống kê của bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng cho thấy, so với cách đây 5 năm thì số người trẻ tuổi nghiện ma túy tổng hợp được gia đình đưa tới để điều trị các bệnh về thần kinh tăng gấp 8 - 10 lần, trong đó nhiều trường hợp bệnh rất nặng, lúc nào cũng tưởng có người đuổi đánh, dọa giết hoặc chỉ muốn tự tử. Đáng báo động, các trường hợp phải nhập viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, cả học sinh, sinh viên.

7 thanh niên tử vong, nhiều người khác phải nhập viện do sốc ma túy tổng hợp trong một sự kiện âm nhạc vừa qua là minh chứng cụ thể nhất cho những tác hại của loại ma túy này. Không chỉ vậy, “ngáo đá” đang là cụm từ chỉ nguyên nhân cho rất nhiều vụ giết người vô cớ, các vụ tai nạn do không làm chủ được bản thân và vô số những hành động kì quặc mang biểu hiện tâm thần trong giới trẻ… Tác hại của việc sử dụng ma túy nói chung và ma túy tổng hợp đang ngày càng đè nặng lên toàn xã hội, hủy hoại nhiều thế hệ con người trong tương lai. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền thành phố Hà Nội, nơi vừa xảy ra sự việc sốc ma túy cần phải đưa ra được những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả và truyền đi những thông điệp cứng rắn, tránh việc giới trẻ lệch lạc trong suy nghĩ, trong nhận thức mà sa chân vào con đường ma túy.

Thăm hỏi, động viên nhau trong lúc hoạn nạn là việc làm rất nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt. Đâu đó vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương cần sự động viên, thăm hỏi, chia sẻ của lãnh đạo, của cơ quan chức năng, họ là nạn nhân của lũ lụt, của hỏa hoạn, họ là những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo đang phải nằm 3 -4 người/giường bệnh… tuyệt nhiên họ không phải là những “cô chiêu cậu ấm” ăn chơi đến độ sốc ma túy. Đừng để cả xã hội hiểu lầm việc sử dụng ma túy công khai giữa Thủ đô là bình thường, và sốc ma túy là “tai nạn” cần được động viên, an ủi, sẻ chia từ thông điệp “thăm hỏi” của những người có trách nhiệm.

Theo Báo Tin tức/TTXVN

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dung-truyen-di-thong-diep-lech-lac-ve-ma-tuy-post275149.info