Đứng trước câu hỏi ngoại giao hóc búa, Nga liệu có muốn biến Libya thành 'Syria thứ hai'?

Libya là một 'câu hỏi ngoại giao hóc búa' cho Moscow. Nga sẽ bước đi rất thận trọng trong cuộc xung đột và không tuyên bố mình ủng hộ ai một cách công khai.

Nga đang cho thấy sự trung lập của mình ở Libya giữa lúc hai Chính phủ căng thẳng.

Nga đang cho thấy sự trung lập của mình ở Libya giữa lúc hai Chính phủ căng thẳng.

Khi cuộc xung đột ở Libya nóng lên, những quan điểm từ Moscow vẫn cho thấy sự tích cực và hợp lý đối với tình hình, tờ DW nhận định.

Trong chuyến thăm gần đây tới Ai Cập, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng "nhiệm vụ của Nga là giúp người dân Libya vượt qua những khác biệt về quan điểm hiện tại và đưa ra một thỏa thuận ổn định" nhằm hòa giải giữa các bên.

Hồi đầu tuần, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov cũng khẳng định, Nga sẽ làm mọi cách có thể để kêu gọi các bên tránh gây đổ máu và gây ra "cái chết cho dân thường".

Kể từ đầu tháng 4, lực lượng của quân đội của tướng Khalifa Haftar đã mở chiến dịch tiến về Thủ đô Tripoli của Libya. Đây là nơi đặt Chính phủ được quốc tế thừa nhận của Thủ tướng Fayez Sarraj. Trong khi tướng Haftar là người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA) được hậu thuẫn bởi một Chính phủ khác ở phía Đông đất nước.

Nga đã kêu gọi đối thoại giữa hai bên ở Libya và dường như đang cố gắng tránh nghiêng hẳn về một bên trong cuộc xung đột leo thang.

"Đó là một tình huống ngoại giao rất tế nhị đối với Nga", Viacheslav Matuzov, một nhà ngoại giao và là chuyên gia về Trung Đông cho biết.

Các đối tác khác nhau của Nga cũng hỗ trợ các bên khác nhau trong cuộc xung đột. Như Thổ Nhĩ Kỳ và Algeria ủng hộ Chính phủ Tripoli do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, trong khi Ai Cập và Saudi Arabia ủng hộ tướng Haftar.

Vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc xung đột Libya, cả Algeria và Ai Cập đều là những khách mua vũ khí hàng đầu của Nga. Và Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng đối với Nga trên trường quốc tế, cả trong cuộc xung đột ở Syria và với những rạn nứt ngày càng tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO - một liên minh mà Nga coi là mối đe dọa. Trong khi, Nga cần phải giữ quan hệ với “gã khổng lồ” dầu mỏ Saudi Arabia.

Matuzov lập luận rằng lý do chính khiến Nga vẫn liên quan đến vũng lầy ngoại giao này là do Moscow lo ngại rằng sự hỗn loạn ở Libya có thể cho phép sự hồi sinh của khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điều sẽ là mối lo ngại an ninh nghiêm trọng đối với Moscow.

Câu hỏi hóc búa ở Libya

Nga sẽ không có lý do để biến Libya thành Syria 2.0.

Nhà phân tích quân sự độc lập người Nga Pavel Felgenhauer đồng ý rằng, Libya là một "câu hỏi ngoại giao hóc búa" cho Moscow. "Nga sẽ bước đi rất thận trọng trong cuộc xung đột", ông nói. “Họ sẽ không tuyên bố mình ủng hộ ai một cách công khai".

Nhưng trong khi chuyên gia Matuzov khẳng định Nga thể hiện sự trung lập như các tuyên bố chính thức của mình, nhà phân tích Felgenhauer lại lập luận rằng: "Moscow có thể nghiêng về ủng hộ tướng Haftar nhiều hơn".

Trên thực tế, cả tướng Haftar và Thủ tướng Sarraj đều đã đến thăm Moscow, nhưng hình ảnh của tướng Haftar được cho là có sự nổi bật hơn ở Điện Kremlin. Ông đã thăm ba lần kể từ năm 2016 và thậm chí từng có mặt trên tàu sân bay hàng đầu của Nga - tàu Đô đốc Kuznetsov - vào năm 2017.

Vào ngày 7/4, Nga đã chặn một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với nội dung yêu cầu các lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar tạm dừng tiến lên Tripoli. Về phần mình, Moscow nhấn mạnh rằng tuyên bố này một khi đưa ra cần phải bao gồm cả việc thúc giục tất cả các lực lượng trong nước cùng ngừng giao chiến. Chuyên gia Felgenhauer coi động thái này là một dấu hiệu rõ ràng về sự ủng hộ ngầm của Nga đối với Haftar.

Dấu hiệu mơ hồ

Theo các báo cáo từ các phương tiện truyền thông, Nga có thể có một cách khác để âm thầm xuất hiện ở Libya. Vào cuối năm 2018, tờ RBC của Nga đã báo cáo về sự xuất hiện của nhóm lính Nga ở phía Đông Libya, trích dẫn một nguồn tin thân cận với bộ Quốc phòng Nga.

Ngoài ra, tờ Novaya Gazeta cũng đăng tải một video cho thấy nhân vật Yevgeny Prigozhin tham gia các cuộc đàm phán với tướng Haftar ở Moscow. Prigozhin là chủ một công ty quân sự tư nhân của Nga có tên là Wagner Group, được cho là đã tham gia vào rất nhiều cuộc xung đột trên toàn thế giới, bao gồm cả Đông Ukraine, Syria, Venezuela và Cộng hòa Trung Phi.

Tuy nhiên, chuyên gia Matuzov tin rằng việc gửi lính đánh thuê Nga đến Libya là điều không thể, gọi những tuyên bố này là "không đáng tin". Ông nói nếu có lính đánh thuê ở Libya thì "mọi người chắc chắn sẽ phải biết".

Trong khi chuyên gia quân sự Felgenhauer vẫn phân vân về điều này. Ông cho rằng lính đánh thuê Nga hoàn toàn có thể xuất hiện trên mặt đất ở Libya và trên không phận nước này, lập luận rằng đây sẽ là một giải pháp “rất tinh tế” cho câu hỏi ngoại giao hóc búa của Nga.

Bởi vì không có liên kết chính thức với Chính phủ, "lính đánh thuê cho phép Nga tham gia mà lại giống như không tham gia", Felgenhauer nói. "Điều đó cho phép họ bác bỏ việc có mặt một cách hợp lý".

Syria 2.0?

Đầu năm 2018, các thông báo của Nga về kế hoạch rút quân khỏi Syria đã làm gia tăng tin đồn về một hoạt động quân sự tiềm năng của Nga ở Libya. Tuy nhiên, Nga khó có thể tiến hành một cuộc can thiệp quy mô lớn ở Libya giống như cách đây gần bốn năm ở Syria, một phần vì cuộc xung đột ở Syria vẫn chưa xong.

"Syria vẫn chưa giải quyết xong", chuyên gia Felgenhauer chỉ ra. "Khả năng của Nga cũng có giới hạn. Chúng tôi không phải là Liên Xô như trước kia nữa."

Felgenhauer cũng không nghĩ rằng điều đó phù hợp với các mục tiêu chiến lược bao trùm của Nga. "Lực đẩy chính của chính sách đối ngoại và chính sách quân sự của Nga là chống lại chủ nghĩa bành trướng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Điều đó hoạt động hợp lý ở Syria và ở Venezuela, nhưng ở Libya không rõ người Mỹ thực sự ủng hộ ai".

Nhà phân tích Matuzov đồng ý rằng, Libya sẽ không phải là “Syria mới” của Nga. Theo ông, hai căn cứ quân sự mà Nga thành lập ở Syria trong cuộc xung đột đồng nghĩa với việc Moscow không cần một chỗ đứng khác để trang trải các lợi ích chiến lược của mình ở Trung Đông. Và hơn nữa, Moscow đơn giản là chưa có đủ khả năng và điều kiện để lập thêm một căn cứ ở Libya.

Matuzov cũng trích dẫn một lý do khác khiến Nga không khởi động một chiến dịch quân sự quy mô toàn diện như ở Syria: "Libya giống như bãi cát lún. Bất kỳ ai bước vào đó sẽ bị hút vào".

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dung-truoc-cau-hoi-ngoai-giao-hoc-bua-nga-lieu-co-muon-bien-libya-thanh-syria-thu-hai-a429491.html