Dùng trực thăng tấn công, Israel vờn mặt hệ thống phòng không Nga trang bị cho Syria?

Nga cho rằng hệ thống phòng không Syria đã quá mạnh và không nhất thiết họ phải trang bị thêm hệ thống S-300 cho Damascus. Tuy vậy việc có thông tin Israel đã cho trực thăng tấn công AH-64 tham chiến tại Syria dấy lên lo ngại rằng Tel Aviv đã coi thường hệ thống phòng không Syria mà Nga ca ngợi.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là các hệ thống phòng không đang được triển khai tại Syria. Có thể nói rằng, nơi đây đang có sự hiện diện của rất nhiều hệ thống phòng không tối tân đến từ Nga.

Ngoại trừ các hệ thống phòng không tối tân của quân đội Nga đang triển khai để bảo vệ căn cứ của họ, thì phía quân đội Syria cũng đang sở hữu một mạng lưới phòng không nhiều tầng bậc.

Trước chiến tranh, phòng không Syria được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất Trung Đông. Họ có khá đa dạng các chủng loại vũ khí, từ tầm thấp đến tầm cao và bao gồm cả những hệ thống hiện đại mới của Nga.

Theo số liệu của Military Balance, Syria có 25 lữ đoàn và 2 trung đoàn phòng không độc lập. Cả 2 trung đoàn phòng không độc lập này đều được trang bị tên lửa phòng không tầm xa S-200.

Theo SIPRI, Syria hiện có khoảng 8 tổ hợp phòng không Buk-M2E - mỗi tổ hợp có khả năng tiêu diệt đồng thời 24 mục tiêu cùng lúc, tầm bắn ước tính đạt 3-45km, độ cao bắn chặn tối thiểu chỉ 15m, tối đa đến 25km. Trong ảnh, Syria bắn thử nghiệm Buk-M2E trong một cuộc tập trận năm 2013

Hệ thống đáng sợ kế tiếp chính là 9K33 Osa (SA-8). Đây được coi là sát thủ của trực thăng.

Hệ thống này sử dụng loại đạn 9K33 OSA có trọng lượng 130kg, tốc độ tối đa Mach 2,4. Độ cao hiệu quả tối thiểu/tối đa là 25/5.000 m.

Tầm bắn hiệu quả từ 1.500 m đến 12.000 m, tuy nhiên sau khi được cải tiến hệ thống điều khiển, tầm bắn hiệu quả tối đa được nâng lên 15.000 m

Ngoài ra Syria còn có nhiều hệ thống phòng không đời cũ như S-75, S-125, bện cạnh đó Nga cũng mới chuyển giao 40 tổ hợp phòng không tầm gần Pantsir-S1.

Đây được coi là sát thủ đối với các mục tiêu tầm thấp đặc biệt là trực thăng tấn công.

Tuy nhiên cuộc tấn công gần đây của không quân Israel có sự xuất hiện của một loại vũ khí mới. Đó chính là tên lửa Spike NLOS.

Mảnh vỡ của tên lửa chống tăng Spike NLOS được tìm thấy tại địa điểm Israel vừa tấn công.

Không quân Israel đã oanh kích ít nhất 4 trận địa của quân đội Syria tại núi Qars Nafel và một số địa điểm khác gần thị trấn Samdaniyah Al-Sharqiyah, Umm Batna và Dawha.

Mặc dù tuyên bố đánh chặn được một vài tên lửa nhưng căn cứ quân sự của Syria vẫn phải hứng chịu thiệt hại rất nặng nề.

Việc tìm thấy các mảnh vỡ của tên lửa chống tăng Spike NLOS, khiến người ta nghi ngờ Israel đã sử dụng máy bay trực thăng tấn công.

Bởi lẽ đây là vì vũ khí không thể tích hợp lên chiến đấu cơ F-15/16.

Được biết tên lửa Spike NLOS ngoài việc tích hợp trên các phương tiện bọc giáp thì chúng chủ yếu được triển khai trên các máy bay trực thăng tấn công.

Hình ảnh tên lửa đang được treo trên máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache mà nước này mua từ Mỹ.

Nếu thực sự Israel đã sử dụng trực thăng để tấn công vào quân đội Syria thì đây thực sự là thông tin gây sốc bởi so với máy bay chiến đấu, trực thăng dễ bị bắn hạ hơn rất nhiều.

Điều này dấy lên lo ngại rằng Tel Aviv đã coi thường hệ thống phòng không Syria mà Nga ca ngợi.

Nga cho rằng hệ thống phòng không Syria đã quá mạnh và không nhất thiết họ phải trang bị thêm hệ thống S-300 cho Damascus.

Hiện phía Israel vẫn chưa chính thức xác nhận sự việc.

Trước đó đã dấy lên thông tin Israel dùng máy bay F-35I để tham chiến tại Syria, tuy nhiên mãi sau đó Tel Aviv mới lên tiếng thừa nhận.

Nếu thực sự Syria với hệ thống phòng không hùng hậu được triển khai lại để cho trực thăng Israel lọt vào dễ dàng cho thấy năng lực tác chiến của quân đội nước này đang có vấn đề.

Nước này cần làm nhiều hơn nữa nếu như không để tình hình thêm tồi tệ hơn.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-dung-truc-thang-tan-cong-israel-von-mat-he-thong-phong-khong-nga-trang-bi-cho-syria/774739.antd