Đừng trông đợi vào kinh tế Trung Quốc

Ít ai trông mong vào lực đỡ từ kinh tế Trung Quốc.

Hàng chục tòa nhà dang dở, bỏ hoang ở khu trung tâm kinh doanh Kaifeng, một thành phố 5 triệu dân ở Trung Quốc, là một ví dụ rõ nhất cho thấy nỗ lực yếu ớt của chính phủ nước này trong việc kích thích nền kinh tế. Ở các đợt suy thoái trước đó, chủ yếu là giai đoạn 2008-2009 và 2015-2016, chính quyền Trung Quốc đã thông qua các gói cho vay khổng lồ để hồi sinh ngành xây dựng và nền kinh tế trong nước. Nhưng mặc dù tăng trưởng năm nay đã chậm lại xuống mức thấp nhất trong 3 thập niên, tạo sức ì lên nền kinh tế toàn cầu, nhưng chính sách kích cầu của Bắc Kinh chỉ giới hạn ở các biện pháp “nhẹ nhàng” như cải cách thuế, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng…

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), chính sách kích cầu chỉ nhằm vào một số lĩnh vực cụ thể hơn là trên diện rộng như ở các đợt suy thoái trước đó.

Những quan ngại về đầu tư bất động sản kém bền vững, sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng, cuộc chiến thương mại với Mỹ, thâm hụt tài khóa gia tăng, nỗi lo tỉ giá… có nghĩa rằng kinh tế Trung Quốc ít có khả năng trở thành lực đỡ cho nền kinh tế toàn cầu như trước đây. “Quy mô của bất kỳ gói kích thích kinh tế nào sắp tới có lẽ không đủ để tạo sức cầu cho nền kinh tế thế giới. Các nhà đầu tư không nên kỳ vọng sẽ có gói kích cầu như quy mô năm 2015”, Adam Wolfe thuộc Absolute Strategy Research, nhận định.

Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn kích cầu. Lúc trước các biện pháp kích cầu nhắm đến lĩnh vực bất động sản. Năm 2015 Bắc Kinh khuyến khích cho vay thế chấp và các chương trình cải tạo khu ổ chuột do Nhà nước tài trợ, giúp 100 triệu người tái định cư. Nhưng giờ nước này không muốn giá nhà tăng thiếu bền vững và tránh tạo cơn sốt xây dựng dẫn đến dư thừa nguồn cung. Những dự án nhà ở mới đã tăng mạnh vào đầu năm nay, nhưng đà tăng trưởng kể từ đó đã chậm lại và “một đợt suy giảm mạnh hơn trong hoạt động xây dựng sẽ tiếp tục kéo dài cho đến hết năm 2019 và sang năm 2020”, Rosealea Yao, thuộc Gavekal Dragonomics, nói.

Lựa chọn kích cầu khả dĩ nhất hiện nay là chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, vốn đang chậm lại. Nhưng các gói kích cầu trước đó đã để lại cho chính quyền địa phương một khoản nợ lớn trong khi nguồn thu giảm do cắt giảm thuế. “Các tỉnh thành gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các dự án mới vì họ phải chi một khoản đáng kể để trả nợ”, Zhong Zhengsheng, cựu quan chức PBOC, cho biết.

Các ngân hàng Trung Quốc, nguồn cấp vốn chính cho các chính quyền địa phương, thì đang chịu sức ép phải giảm nợ khó đòi. Chính phủ Trung Quốc đã cho phép chính quyền các địa phương bán thêm 1.300 tỉ nhân dân tệ (185 tỉ USD) trái phiếu cơ sở hạ tầng năm nay và có thể yêu cầu hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cho vay các chính quyền địa phương. Nhờ đó, theo Larry Hu, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Macquaire, chi tiêu chính phủ có thể phục hồi lên mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ, nhưng ông cũng khuyến cáo “do tính chất chỉ xảy ra một lần của các dự án này, đà phục hồi nhờ vào chi tiêu hạ tầng sẽ ngắn hạn hơn so với nhờ vào bất động sản”.

Bắc Kinh cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Nhưng rủi ro giá nhà gia tăng khiến cho các nhà lãnh đạo nước này không mặn mà đối với việc nới lỏng tiền tệ, trong khi tăng nguồn cung tiền có thể gây sức ép giảm giá lên đồng nội tệ giữa lúc doanh nghiệp nước này đang gánh số nợ lớn bằng đồng USD và Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng tiền nước mình.

Vì thế, lựa chọn cuối cùng cho Bắc Kinh là khuyến khích chi tiêu từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng ngay cả giải pháp này cũng không dễ dàng. Bởi lẽ, số vụ vỡ nợ trái phiếu ở mức kỷ lục vào năm ngoái cho thấy sự căng thẳng thanh khoản chưa từng có ở khu vực doanh nghiệp. Đầu năm nay Bắc Kinh đã giảm thuế doanh nghiệp và số vụ vỡ nợ trái phiếu vẫn trên đà tiến tới cột mốc của năm ngoái. Các chuyên gia phân tích cho rằng doanh nghiệp có khả năng sẽ sử dụng nguồn vay mới để “chữa lành” bảng cân đối kế toán thay vì rót tiền vào các khoản đầu tư mới. “Bạn không thể buộc các doanh nghiệp chi tiền vào đâu. Trong tình hình hiện tại, chẳng ai muốn chi tiêu cả”, Freya Beamish, chuyên gia phân tích tại Pantheon Macroeconomics, nhận định.

Chi tiêu tiêu dùng hiện là lực đỡ cuối cùng cho tăng trưởng sức cầu tại Trung Quốc, nhưng niềm tin tiêu dùng lại đến từ tăng trưởng việc làm và lương thông qua chi tiêu doanh nghiệp và chi tiêu chính quyền địa phương. Chính quyền Bắc Kinh đã tăng chi tiêu vào chăm sóc y tế và giáo dục, nhưng các hộ gia đình chưa tiếp cận được chế độ an sinh xã hội vẫn tiết kiệm khoảng 1/3 thu nhập tính trung bình. Cắt giảm thuế thu nhập cũng không khiến người tiêu dùng động lòng: chỉ 10,5% người tiêu dùng cho biết đã chi tiêu trong tình hình hiện tại, dưới mức trung bình trong 3 năm, theo một khảo sát mới đây của FT Confidential.

Các quan chức chính phủ, doanh nghiệp và chuyên gia phân tích dự báo sẽ có thêm gói kích cầu sớm nhất là vào tháng 12 năm nay. Nhưng hầu như không ai cho rằng quy mô kích cầu sẽ bằng các năm trước. Freya Beamish ước tính gói kích cầu của Trung Quốc giai đoạn 2018-2019 tương đương khoảng 7% GDP, trong khi giai đoạn 2015-2016 là 10% GDP. Những con số này khá khiêm tốn so với quy mô gói kích cầu giai đoạn 2008-2009 lên tới 19% GDP, theo ước tính của OECD. Tất cả những điều này cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ khó phục hồi nhanh chóng.

Nguồn Theo FT

Văn Quốc

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/dung-trong-doi-vao-kinh-te-trung-quoc-3331756/