Dùng triết lý ẩm thực Việt 'làm mới' ngoại giao văn hóa

Trao đổi với TG&VN nhân sự kiện 'Ngày Ẩm thực Việt Nam tại Pháp' diễn ra từ ngày 17-18/10 tại thành phố Perpignan (Pháp), Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Trần Quốc Khánh cho biết, việc lựa chọn ẩm thực như một cách tiếp cận mới, tạo nên điểm nhấn trong dòng chảy chung giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Sự kiện “Ngày Ẩm thực Việt Nam tại Pháp” do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) tổ chức nhằm giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt Nam gắn với các địa phương có di sản được UNESCO công nhận.

Tại sao là ẩm thực?

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Trần Quốc Khánh, Ngoại giao toàn diện bao gồm ba trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa bên cạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là những thành tố tương hỗ lẫn nhau để nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là tạo dựng, giới thiệu hình ảnh và truyền tải những thông điệp của Việt Nam ra thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho hai sự kiện đối ngoại lớn là vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN 2020. Trong các hoạt động ngoại giao đa phương, bên cạnh những hoạt động chính trị, những hoạt động văn hóa luôn có thế mạnh riêng bởi sự mềm mại, dễ tiếp cận, dễ đi vào lòng người. “Do đó, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có những nỗ lực và sáng tạo hơn nữa”, ông Khánh nhấn mạnh.

Sự kiện có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Trường Du lịch và Nấu ăn Bourquin (Perpignan, Pháp), Công ty Vinpearl. Ngoài ra, sự kiện cũng có sự đồng hành của Hội đầu bếp Việt Nam, Viettravel, Honeco, Song Hỷ trà...

Ông Khánh cho biết, những năm qua, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước – con người Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới và nhận được sự quan tâm, đón nhận của lãnh đạo cũng như cộng đồng quốc tế, người Việt ở trong và ngoài nước.

Năm 2019, lần đầu tiên Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO quyết định tổ chức “Ngày ẩm thực Việt Nam” thành chuỗi sự kiện tại một số quốc gia đại diện với điểm đến đầu tiên là thành phố bên bờ Địa Trung Hải Perpignan, niềm Nam nước Pháp.

Từ định nghĩa của UNESCO “Văn hóa là cái còn lại sau khi mọi thứ trôi qua”, ông Khánh khẳng định, văn hóa chính là mạch nguồn và sức mạnh nội tại, tạo nên sức mạnh tổng thể của Việt Nam. Văn hóa luôn trường tồn và là giá trị mà mỗi người đều cần đến.

“Có thể trong một thời điểm chúng ta tạm quên giá trị đó để lo lắng cho điều gì khác nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải quay lại với văn hóa. Với Việt Nam, tinh hoa văn hóa được kết tinh qua ẩm thực. Đó chính là nguồn cảm hứng để Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO lựa chọn ẩm thực như một cách tiếp cận mới, tạo nên điểm nhấn trong dòng chảy chung giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới”.

Làm nên sự khác biệt

Thị trưởng TP. Collioure và ông Trần Quốc Khánh. (Ảnh: Bảo Chi)

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho “Ngày Ẩm thực Việt Nam tại Pháp”, ông Trần Quốc Khánh cho biết, dù ẩm thực từng được lồng ghép quảng bá trong rất nhiều các hoạt động đối ngoại của Việt Nam nhưng sự kiện lần này sẽ có nhiều điểm khác biệt.

Theo đó, thay vì giới thiệu ẩm thực Việt thông qua các món ăn cụ thể thì những triết lý ẩm thực Việt như sự cân bằng, phong phú, việc sử dụng nguyên liệu tươi, đôi khi là những bài thuốc… sẽ được chú trọng quảng bá, giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S đều có những đặc sản riêng, ẩm thực đều mang một phong vị riêng, thấm đẫm chiều sâu văn hóa của người Việt.

“Ngày Ẩm thực Việt Nam tại Pháp” sẽ gồm các hoạt động chính: Trình diễn, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt Nam gắn với các địa phương có di sản được UNESCO công nhận; Hội thảo chuyên đề giới thiệu di sản UNESCO và nghệ thuật ẩm thực Việt Nam; Triển lãm giới thiệu tám di sản UNESCO tại Việt Nam và một số sản phẩm tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt; Giao lưu đầu bếp Việt – Pháp.

“Ẩm thực Việt Nam tinh tế mà giản dị, gần gũi mà thanh cao, là sự hội tụ của nghệ thuật ẩm thực từ nhiều vùng miền, dân tộc trên khắp đất nước, có sự tiếp nối giữa truyền thống và đương đại. Giống như sự phong phú của tâm hồn người Việt Nam, ẩn sau mỗi món ăn lại có một triết lý sâu xa về cuộc sống, một câu chuyện về con người, về thiên nhiên”, ông Khánh cho hay.

Bên cạnh đó, các hoạt động giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt sẽ được gắn với quảng bá di sản được UNESCO công nhận. Với chủ đề: “Hành trình đến những di sản thế giới của Việt Nam”, Ban tổ chức mong muốn tạo nên một lễ hội ẩm thực gắn với không gian văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, ghi đậm dấu ấn về một Việt Nam thanh bình tươi đẹp cùng những hương vị đậm đà khó quên đối với những người bạn của Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp này, năm đầu bếp giỏi nhất Việt Nam sẽ chế biến những món ăn truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở của sự hiện đại, hội nhập với cách trình bày đơn giản, tinh tế, thu hút thực khách quốc tế.

Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân chia sẻ: “Để thể hiện sự đa dạng của ẩm thực Việt, các đầu bếp sẽ mang đến một chút hương vị của Huế (bánh ram, bánh ít), một chút hương vị miền Trung (bánh xèo, ram tôm), nem cuốn của miền Nam, chả cá Hà Nội... Người Pháp thường ăn bằng cảm giác, họ ngắm nhìn món ăn rất kĩ trước khi thưởng thức. Vì vậy, những món ăn mang đậm truyền thống ẩm thực Việt sẽ được chúng tôi thể hiện tại sự kiện lần này”.

Lý giải lý do lựa chọn thành phố biển Perpignan – một địa điểm du lịch nổi tiếng của nước Pháp là nơi tổ chức sự kiện, ông Khánh cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá ẩm thực Việt tới một lượng thực khách có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn.

“Công chúng hướng tới của sự kiện lần này khá chọn lọc với khoảng 2.000 quan khách là đại diện chính giới Pháp, các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực ẩm thực-du lịch, chủ nhà hàng, khách sạn, giới báo chí, đầu bếp Pháp, giới trẻ là học sinh, sinh viên các trường du lịch, nấu ăn...”, ông Khánh cho biết thêm.

Phạm Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dung-triet-ly-am-thuc-viet-lam-moi-ngoai-giao-van-hoa-102854.html