Dùng tiền nào cứu 12 dự án thua lỗ?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đặt câu hỏi, đối với 12 dự án thua lỗ, không dùng tiền ngân sách thì dùng tiền nào để cứu?

Tại buổi họp tổng kết năm của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) ngày 11/1, nói về việc tháo gỡ vướng mắc các dự án ngành thép, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù đã có nhiều cuộc họp của Bộ Công thương và Chính phủ nhưng với nguyên tắc là không bỏ tiền nhà nước ra cứu các dự án thua lỗ nên rất khó để xử lý.

"12 dự án thoi thóp thì phải cho thuốc, có sức khỏe lên gượng dậy, nhưng giờ không dùng tiền ngân sách thì dùng tiền nào? Nếu muốn cứu thì phải cho uống thuốc, cho ăn, chứ cứ nói tự làm đi thì tự làm kiểu gì?", báo Tuổi trẻ dẫn lời Thứ trưởng Hải nói.

Như tại dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhập thiết bị về, xây dựng xong để đó, một ngày tiền lãi phải trả lên tới 1,5 tỷ, 1 tháng là gần 50 tỷ. Trong khi đó, họp xử lý các dự án trong nhiều tháng qua vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể, nên nhà đầu tư mất cả trăm tỷ.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên đang gặp khó

Câu hỏi dùng tiền nào để cứu các dự án thua lỗ đã được đặt ra từ lâu và chính Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng không ít lần than khó về việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương.

Đơn cử, vào giữa tháng 8/2018, tại một phiên họp giao ban của Bộ Công thương, ông Hải cho biết: “Chính phủ đưa ra nguyên tắc không dùng tiền Nhà nước để cứu dự án. Đó là điều đánh đố Bộ Công thương, rất khó nhưng đang phải cố gắng để giải quyết”.

Một trong những lời hứa từ đầu nhiệm kỳ của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chính là đến cuối năm 2018, ngành Công thương sẽ xử lý cơ bản 12 dự án thua lỗ và đến năm 2020 thì hoàn thành.

Xử lý cơ bản nghĩa là giải quyết được 2 vấn đề của 12 đại dự án. Thứ nhất, các dự án phải cân đối được tài chính, tổng thu bằng tổng chi, tức là thoát lỗ. Đó là bước nền tảng để tiến tới làm ăn có lãi.

Thứ hai, số lượng dự án cân đối dòng tiền phải chiếm đa số. Trong 12 đại dự án thua lỗ phải có khoảng 10 dự án cân đối được tài chính thì gọi là “xử lý cơ bản”.

Theo Bộ Công thương, sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và hơn 1 năm thực hiện Đề án xử lý các dự án theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tình hình 12 dự án, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng và Nhà máy thép Việt-Trung. 4 nhà máy còn lại từng bước khắc phục khó khăn, điển hình như Nhà máy đạm hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai đều đã giảm lỗ.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại. Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyestes Đình Vũ vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018; Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) không phải cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai Dự án.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Bộ Công thương khẳng định: Việc xử lý các dự án đã đảm bảo thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dung-tien-nao-cuu-12-du-an-thua-lo-3372725/