Dùng tiền lẻ qua trạm thu phí không sai, nhưng kích động, gây rối là phạm pháp

Theo các chuyên gia luật pháp, việc sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí là không vi phạm pháp luật, nhưng nếu ai có hành vi lôi kéo, kích động để gây rối trật tự thì sẽ bị xử lý.

Công an được đề nghị điều tra việc ‘gây rối, kích động’ tại trạm thu phí quốc lộ 5

Trong nhiều ngày qua, tại Trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên đã xảy ra tình trạng lái xe sử dụng tiền lẻ để trả tiền mua vé, khiến giao thông chiều Hà Nội - Hải Phòng bị ùn tắc.

Trong báo cáo của đơn vị quản lý trạm là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) gửi các cơ quan chức năng có nêu: với sự lan truyền thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin bình luận mang tính tiêu cực vào thời điểm dư luận xã hội đang quan tâm và có nhiều ý kiến về các dự án BOT giao thông khác, các đối tượng xấu đã lợi dụng để cấu kết, kêu gọi kích động, gây mất trật tự và an ninh. Việc tập hợp các đoàn xe "gây mất trật tự" nêu trên là thông qua mạng xã hội facebook.

Dùng tiền lẻ mua vé đang là cách tốt nhất để người dân ''gửi ý kiến'' về những bất cập tại các trạm thu phí

Chính vì vậy Vidifi đã đề nghị Tổng cục An ninh và Công an các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi trên của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh, an toàn giao thông.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Drangon (Hà Nội) thì yêu cầu của Vidifi đề nghị các cơ quan điều tra vụ việc là không sai, bởi vì mỗi cá nhân, tổ chức khi phát hiện có hành vi làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của mình, hay của toàn xã hội, thì đều có quyền làm đơn thư đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền lợi của mình.

Còn với các lái xe, luật sư Long cho rằng việc dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí cũng là không vi phạm pháp luật, vì tiền dù ở mệnh giá nào đều do Nhà nước phát hành, được lưu hành hợp pháp, nên trạm thu phí không thể từ chối. Cũng không có bất kỳ quy định nào cấm dùng tiền lẻ trong giao dịch dân sự. Việc ùn tắc giao thông do tốn nhiều thời gian kiểm đếm tiền là do nhân viên trạm thu phí không kiểm đếm nhanh chóng, chứ không thể đổ lỗi do lái xe.

Toàn cảnh vụ việc dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí

Tuy nhiên nếu như lái xe kêu gọi nhau mua vé bằng tiền lẻ với mục đích cố ý “gây rối trật tự công cộng” và gây ra hậu quả như: cản trở, ách tắc giao thông; cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân… thì cơ quan điều tra có thể xem xét, xử lý với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Chính vì vậy, việc công an điều tra sẽ phụ thuộc vào tình tiết cụ thể, "trước khi có kết luận điều tra thì chúng ta không thể khẳng định việc điều tra là đúng hay sai", ông Long nói.

"Đối với những vấn đề mang tính xã hội cao như vụ việc trên, thiết nghĩ các cơ quan Nhà nước cũng nên có cái nhìn toàn diện, thấu tình đạt lý, đặc biệt không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự để tránh gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội", luật sư Nguyễn Minh Long bày tỏ quan điểm.

Anh Đ.H (một lái xe ở Hải Dương) cũng cho biết: “Việc người dân dùng tiền lẻ mua vé tại trạm thu phí là việc làm bình thường, không vi phạm pháp luật. Bởi tiền lẻ cũng là tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành. Chúng tôi là những người lái xe đều xếp hàng mua vé qua trạm với không khí ôn hoà rất bình thường và không có hành vi gây rối, làm mất trật tự. Vì vậy, việc Vidifi đề nghị điều tra về vụ việc này là không có cơ sở pháp lý”.

Anh B.N, một lái xe khác cho biết: "Khi dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thì mọi việc vẫn bình thường. Chỉ lúc người dân kéo ra trạm xem thì mới xảy ra ùn tắc. Cá nhân tôi cho đây là việc làm đúng pháp luật, nhưng cần thiết để các nhà quản lý xem xét lại việc thu phí cao và vô lý tại đây. Không có ai lôi kéo tôi cả".

Lê Tân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dung-tien-le-qua-tram-thu-phi-khong-sai-nhung-kich-dong-gay-roi-la-pham-phap-873337.html