Dùng thuốc trong bệnh tay - chân - miệng ở trẻ

Bệnh tay-chân-miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi, có thể ở độ tuổi lớn hơn hoặc người lớn.

Triệu chứng điển hình như sốt, nổi bóng nước ở tay, chân, mông, gối, đặc biệt là loét miệng. Trẻ bị TCM thường khó chịu, bỏ ăn uống làm các bậc cha mẹ lo lắng và sốt sắng muốn dùng thuốc để trẻ nhanh chóng khỏi bệnh. Đối với trẻ điều trị ngoại trú, rất nhiều cha mẹ lo lắng quá nghe mách rồi dùng cho con các thuốc không cần thiết vừa khổ bé mà có thể có tác dụng phụ cho bé. Vậy đâu là lựa chọn đúng?

Lựa chọn thuốc điều trị

Thuốc hạ sốt, giảm đau: Bệnh TCM đa phần là lành tính, chỉ một phần nhỏ gây biến chứng nặng như viêm não hoặc viêm cơ tim cấp... có thể dẫn đến tử vong. Đa phần trẻ độ I điều trị ngoại trú sẽ ổn định sau 7-10 ngày. Bệnh do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy điều trị triệu chứng sốt hay quấy khóc là quan trọng nhất giúp cải thiện sự khó chịu của trẻ và chờ đợi bệnh khỏi.

Thuốc hạ sốt giảm đau (paracetamol, ibuprofen) là quan trọng nhất với trẻ, cho trẻ dùng khi bé sốt và quấy khóc theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt để giúp trẻ giảm đau, giảm quấy khóc vẫn có thể dùng dù không sốt nếu cách liều trước hợp lý.

Thuốc kháng sinh, kháng virus: Hai thuốc này rất hay được phụ huynh mua để dùng cho trẻ, tuy nhiên có thể lợi bất cập hại, vì thuốc không có hiệu quả mà còn gây tác dụng phụ nguy hiểm cho bé. TCM là bệnh do virus, kháng sinh không trị được virus gây bệnh, chỉ sử dụng ở số ít bệnh nhân có bằng chứng bội nhiễm thêm vi khuẩn.

Triệu chứng của bệnh TCM.

Triệu chứng của bệnh TCM.

Với thuốc kháng virus như acyclovir, không có bất kỳ khuyến cáo nào cho phép sử dụng để điều trị TCM, các thử nghiệm về hiệu quả còn thiếu.

Thuốc bôi da, giảm ngứa da: Bóng nước của TCM đa phần không ngứa, rất ít khi vỡ và nhiễm trùng thêm. Nếu bóng nước ít và nhỏ chỉ cần tắm sạch cho trẻ hàng ngày, tránh kiêng nước để da bẩn gây ngứa, trẻ gãi có thể gây bội nhiễm. Trẻ có nhiều bóng nước lớn, vỡ có thể bôi các thuốc sát trùng ngoài da như xanhmethylen, kem chứa ion bạc... Một số trẻ có ngứa nhiều có thể dùng thuốc kháng histamine để giảm ngứa.

Thuốc bôi miệng: Các thuốc này có thể là gel kháng sinh, chất sát khuẩn tại chỗ hoặc chất gây tê giảm đau. Mục đích bôi để giảm bội nhiễm hoặc giảm đau, tuy nhiên trẻ đang loét miệng có thể rất đau, các thao tác bôi miệng có thể gây đau làm làm trẻ khó chịu hơn. Các tổ chức nhi khoa lớn trên thế giới không khuyến cáo sử dụng các dạng thuốc bôi miệng nào, trên hết các tổn thương này lành tính và đa phần tự ổn định. Do đó, nếu bé không hợp tác không nhất thiết sử dụng vì có thể có tác dụng phụ. Thực tế uống thuốc giảm đau, hạ sốt giúp trẻ giảm đau, quấy khóc và đơn giản hơn nhiều. Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi muốn dùng bất cứ thuốc bôi gì để giảm đau.

Thuốc chống viêm corticoid: Một số thuốc thường dùng như betamethason, prednisolone, dexamethasone... Hiện nay không có bất kỳ khuyến cáo nào sử dụng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, bên cạnh đó nhóm thuốc này có tác dụng phụ rất lớn đến miễn dịch, nội tiết... của trẻ. Dexamethasone chỉ được sử dụng trong trường hợp nặng điều trị nội trú như viêm não...

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ TCM

Bệnh TCM ở trẻ do nhiều chủng virus gây nên, đa phần lành tính, tự ổn định sau 7-10 ngày, bệnh có thể tái lại nhiều lần, ngoại trừ thuốc hạ sốt giảm đau các thuốc khác đều ít hiệu quả. Không có thuốc ngăn được biến chứng và biến chứng hay không phụ thuộc vào từng trẻ... Do vậy, chăm sóc, điều trị triệu chứng và nhận biết được các dấu hiệu có thể có biến chứng là quan trọng nhất.

Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, trẻ mắc TCM không phải kiêng tắm, tuyệt đối không chích hoặc làm vỡ mụn nước. Nên cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ nuốt, chia nhỏ bữa ăn nhiều lần giúp trẻ ăn nhiều hơn. Kiêng đồ ăn chua, cay, quá mặn làm trẻ khó chịu thêm. Hướng dẫn trẻ lớn súc miệng bằng nước muối ấm để vệ sinh và giảm đau cho trẻ.

Nên cho trẻ đi khám khi có các triệu chứng nặng để được chẩn đoán xác định và hướng dẫn theo dõi: Trẻ sốt trên 2 ngày; sốt cao trên 39 độ C, uống thuốc mà không hạ sốt; quấy khóc nhiều vô cớ, không thể dỗ nín hoặc ngủ gà ngủ gật; nôn hết mọi thứ; trẻ giật mình lúc ngủ hoặc rùng mình, run người lúc thức; đi lại loạng choạng hoặc ngồi không vững; khó thở hoặc thở bất thường, hoặc bất cứ điều gì cha mẹ cảm thấy con đang nặng hơn.

BS. Trần Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-trong-benh-tay-chan-mieng-o-tre-n178801.html