Dùng thuốc trị hen suyễn trong mùa dịch

Cháu nhà tôi 8 tuổi, bị hen suyễn 1 năm nay. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến tôi càng lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn tôi nên làm gì, nên cho con dùng thuốc như thế nào để bệnh không trở nặng. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Vũ Huy Hoàng(Hà Nam)

Hen phế quản hay hen suyễn ở trẻ em là bệnh đường hô hấp gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở. Căn nguyên bệnh do nhiều yếu tố gây nên, đặc biệt là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và môi trường sẽ làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hen suyễn ở trẻ em cần được tìm hiểu và điều trị kịp thời để có thể tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Mục tiêu của điều trị hen suyễn ở trẻ em là kiểm soát sự tắc nghẽn của đường hô hấp, phòng tránh cơn hen ác tính.

Cần sử dụng các thuốc giúp kiểm soát cơn hen dài hạn. Các thuốc phòng ngừa, kiểm soát lâu dài làm giảm triệu chứng viêm trong đường thở của trẻ. Trong hầu hết các trường hợp, những loại thuốc này cần phải được sử dụng hàng ngày. Các thuốc thường được dùng như: Thuốc corticosteroid dạng hít, thuốc cần phải sử dụng trong vài ngày đến vài tuần trước khi có dấu hiệu chuyển bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài các loại thuốc này có liên quan đến việc làm giảm sự tăng trưởng của trẻ. Vì vậy cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ điều trị, tránh lạm dụng. Các thuốc điều chỉnh leukotriene như thuốc đồng vận beta 2 tác dụng kéo dài, giúp ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn trong vòng 24 giờ. Thuốc hít kết hợp có chứa một corticosteroid dạng hít cộng với chất chủ vận beta tác dụng dài (LABA), thuốc giãn cơ trơn, thuốc điều hòa miễn dịch, thuốc corticoid dạng uống hoặc tiêm... cần phải sử dụng dưới sự chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc nhằm kiểm soát tốt cơn hen về lâu dài.

Vì vậy, để bệnh hen suyễn không trở nặng trong mùa dịch COVID-19, bạn nên được sự tư vấn thường xuyên và trực tiếp của bác sĩ điều trị cho con, cũng như cần tuân thủ tốt việc dùng thuốc của bác sĩ.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt cho con, nhất là những hôm trời lạnh. Cho trẻ uống thêm nước - điều này có thể giữ cho chất nhầy trong phổi loãng và do đó cơ thể dễ dàng loại bỏ chất nhầy. Hút bụi và lau nhà thường xuyên để loại bỏ các chất gây dị ứng trong nhà. Giặt khăn trải giường và chăn mỗi tuần trong nước nóng để loại bỏ mạt bụi.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-tri-hen-suyen-trong-mua-dich-n172606.html