Dùng thuốc ở người bệnh sau nhồi máu cơ tim: Những điều cần biết

Đối với người bệnh được cấp cứu thành công khi bị nhồi máu cơ tim (NMCT), việc sử dụng thuốc khi đã ra viện là bắt buộc và có thể kéo dài trọn đời.

Tuy nhiên, để thuốc phát huy tốt hiệu quả phòng ngừa bệnh tái phát, người bệnh cần thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ và chú ý một số vấn đề cần thiết khác để phòng ngừa tái phát…

Các thuốc thường được dùng sau NMCT

Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: Ở người bệnh NMCT, sau can thiệp động mạch vành có nguy cơ cao hình thành cục máu đông gây tắc lại trong stent và gây tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, người bệnh bắt buộc phải dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Hiểu một cách đơn giản, đây là loại thuốc có tác dụng giữ tiểu cầu trong máu không kết dính để ngăn ngừa hình thành cục máu đông xảy ra trong lòng mạch. Hiện nay, bệnh nhân sau can thiệp phải được điều trị với hai loại thuốc chống ngưng tập tiểu cầu gọi là liệu pháp chống ngưng tập tiểu cầu kép. Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào loại stent mà người bệnh được sử dụng. Có hai loại stent được sử dụng nhiều nhất là stent phủ thuốc và liệu pháp chống ngưng tập tiểu cầu kép thường được sử dụng trong 12 tháng. Sau đó, bệnh nhân sẽ duy trì một loại trọn đời, thường là aspirin.

Thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chẹn thụ thể: Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tái cấu trúc cơ tim sau nhồi máu, điều trị suy tim. Thuốc được dùng kéo dài sau NMCT nhưng sẽ được các bác sĩ căn chỉnh liều để đạt hiệu quả cao nhất cho từng bệnh nhân. Trên thị trường có nhiều loại thuốc ức chế men chuyển như lisinopril, ramipril, captopril... và thuốc ức chế thụ thể như valsartan, telmisartan, losartan…

Người bệnh dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Thuốc chẹn beta giao cảm: Thuốc chẹn beta hoạt động bằng cách chặn tác động của các hormon thuộc hệ giao cảm là norepinephrine và epinephrine trên tim, thông qua việc ngăn chặn các thụ thể beta, từ đó giúp làm giảm nhịp tim. Thuốc được dùng để giảm biến cố rối loạn nhịp, điều trị suy tim, giảm tỷ lệ tử vong. Thuốc cũng được dùng kéo dài và người bệnh cần phải khám lại theo đúng hẹn để được điều chỉnh liều tốt nhất.

Thuốc nhóm statin: Đây là nhóm thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, gần đây được phát hiện có vai trò quan trọng trong bảo vệ tim mạch với khả năng chống viêm thành mạch, ổn định mảng xơ vữa. Các thuốc thuộc nhóm này thường được sử dụng là atorvastatin, rosuvastatin, simvastatin...

Thuốc lợi tiểu: Là thuốc có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, do đó làm giảm lượng nước trong hệ thống tuần hoàn cũng như nước ở các không gian bào. Có ba nhóm thuốc lợi tiểu chính là nhóm thuốc lợi tiểu thiazid, nhóm thuốc lợi tiểu tác động ở quai Henlé, nhóm thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali. Ở người bệnh sau NMCT, việc dùng các thuốc này để điều trị triệu chứng, cải thiện chuyển hóa tế bào cơ tim. Việc dùng thuốc tùy thuộc vào từng bệnh nhân với các mức độ nặng nhẹ khác nhau của bệnh.

Và những lưu ý cần thiết

Dùng thuốc đúng chỉ định: Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp phải tái nhập viện do tình trạng đau ngực và được chẩn đoán là hẹp hoặc tắc lại trong stent mà nguyên nhân hay gặp nhất chính là sự không tuân thủ việc dùng thuốc điều trị của bệnh nhân.

Không tự ý thay đổi liều hay đổi thuốc: Với mỗi người bệnh sau NMCT sẽ được dùng thuốc khác nhau dựa trên toàn trạng để đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, người bệnh không nên tự ý đổi thuốc, tăng hay giảm liều vì rất có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Thực hiện đúng hướng dẫn dùng thuốc: Việc làm này giúp cho người bệnh tránh được các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra. Chẳng hạn khi uống aspirin không nên uống lúc đói mà cần uống trong hoặc sau bữa ăn với một cốc nước đầy để tránh rối loạn tiêu hóa hoặc không uống aspirin với rượu hoặc nước trái cây vì làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày hay không được bẻ vỡ hay nghiền nát với viên nén aspirin hoặc viên nang…

Chú ý tác dụng phụ: Hầu như tất cả các loại thuốc đều có các tác dụng phụ nhất định nên trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào trong cơ thể thì người bệnh cần thông báo với bác sĩ điều trị, nếu cần thiết phải được thăm khám cụ thể để có biện pháp xử trí phù hợp.

Khám bệnh định kỳ: Với người bệnh sau NMCT, việc sử dụng thuốc là bắt buộc và kéo dài. Để tránh biến chứng và đánh giá hiệu quả của thuốc hay thay thế thuốc trong trường hợp cần thiết, người bệnh nên khám bệnh định kỳ hoặc theo hẹn của bác sĩ điều trị.

Phòng ngừa tái phát NMCT

Bên cạnh việc dùng thuốc, các mạch máu và mô tim phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện. Do vậy, người bệnh NMCT sau khi được cấp cứu thành công cần thực hiện:

Dinh dưỡng: Người bệnh sau NMCT nên tăng cường hải sản, chất xơ (không dùng lúa mạch), rau xanh, trái cây tươi…, hạn chế hoặc kiêng các món ăn nhiều đường, nhiều mỡ.

Tập luyện: Người bệnh nên chọn cho mình biện pháp tập luyện phù hợp như đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp hoặc một bài thể dục tự chọn dựa vào ý kiến của thầy thuốc và sức khỏe của bản thân. Không lạm dụng tập luyện vì không phải càng tập nhiều càng chóng khỏi bệnh.

Thay đổi lối sống: Thường xuyên theo dõi cân nặng để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập nhằm ngừa thừa cân, béo phì. Bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống bia, rượu…

TS. Tạ Tiến Phước

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-o-nguoi-benh-sau-nhoi-mau-co-tim-nhung-dieu-can-biet-n139515.html