Dùng thuốc khi bị viêm mũi xoang

Bệnh viêm mũi xoang có đặc điểm là tái đi tái lại khiến người bệnh rất khó chịu. Hiện nay, rất nhiều người khi thấy các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi thường tự mua thuốc về dùng. Việc dùng thuốc này dễ dẫn tới bệnh không khỏi do không đúng thuốc và sai cách dùng...

Theo thống kê, bệnh viêm xoang chiếm khoảng 25-30% tổng số các bệnh nhân đến khám tai mũi họng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Còn ở trẻ em, có tới 75-80% trẻ đã từng bị viêm mũi xoang 1 lần trước 6 tuổi. Trong điều kiện hiện nay, khi môi trường ngày càng ô nhiễm, khói bụi, hóa chất độc hại ngày một nhiều hơn, tỉ lệ người mắc bệnh viêm xoang cũng vì thế mà tăng đáng kể.

Các biến chứng của bệnh viêm xoang thường rất nặng, như viêm dây thần kinh hốc mắt, viêm họng, viêm phế quản, viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm xương... thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Điều trị viêm mũi xoang đặc biệt là viêm mũi xoang mạn tính gặp rất nhiều khó khăn vì cấu tạo của hệ thống mũi xoang rất phức tạp nên bệnh hay tái phát, đồng thời quan niệm chưa đúng đắn của bệnh nhân trong quá trình điều trị làm giảm tỷ lệ thành công khi chữa viêm mũi xoang. Vì vậy, khi mắc bệnh liên quan đến mũi xoang, hoặc các vấn đề xung quanh như mắt, tai, họng thì cần đi khám bác sĩ để điều trị sớm, đúng cách, dùng đúng thuốc mới giúp giảm bớt bệnh.

Hình ảnh xoang bình thường và xoang bị viêm.

Hình ảnh xoang bình thường và xoang bị viêm.

Một số thuốc thường dùng

Thuốc chữa viêm mũi xoang là những thuốc có thể can thiệp để giải phóng tình trạng tắc nghẽn của lỗ thông mũi xoang. Các thuốc này phải được phối hợp đồng bộ dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ tai mũi họng. Tùy theo giai đoạn của viêm mũi xoang, loại viêm mũi xoang (viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, viêm mũi xoang dị ứng, viêm xoang do nấm...) mà bác sĩ sẽ chỉ định cho từng bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cần được bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác, không tự ý mua thuốc, dùng thuốc để tránh gây các ảnh hưởng bất lợi, có hại.

Thuốc điều trị viêm mũi xoang dị ứng

Thuốc kháng histamin: Loại thuốc này rất hiệu quả đối với ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do vậy cần phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi. Các loại thuốc thường dùng là chlorpheniramin, promethazin, acrivastin, levocetirizine, loratadine...

Thuốc thông mũi, nghẹt mũi: Thuốc thông mũi có sẵn dưới dạng thuốc viên dùng đường uống như pseudoephedrin, phenyllephedrin... Thuốc thông mũi đường uống đạt được hiệu quả trong vòng 30 - 60 phút sau khi uống. Cũng giống như thuốc dạng xịt, thuốc thông mũi đường uống có thể trở nên kém hiệu quả hơn nếu dùng lâu dài. Hiện tượng nhờn thuốc có xảy ra, tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn dẫn tới viêm mũi mạn tính. Ngoài ra, phối hợp thuốc thông mũi với những loại thuốc khác có tác dụng phụ tương tự có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Thuốc chống viêm corticoid: Bao gồm corticoid dạng uống và dạng xịt. Đối với dạng uống thường được dùng trong đợt cơn viêm mũi xoang dị ứng rầm rộ. Những thuốc thường được các bác sĩ kê toa là beclomethason, fluticason, triamcinolon, flunisolid... Những loại thuốc này không làm giảm triệu chứng ngay lập tức như thuốc thông mũi nhưng khi đã đạt được liều điều trị thì triệu chứng thường sẽ được cải thiện và có thể sẽ không cần phải sử dụng thuốc thông mũi nữa.

Tuy nhiên, cần lưu ý, với trẻ em, người cao tuổi hay cả một số người lớn khi dùng các thuốc nhỏ, xịt mũi hay khí dung có corticoid lâu dài, liên tục vài tuần cũng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa (nhất là với người có viêm loét dạ dày - tá tràng) gây lao tiến triển (ở người có tiền sử lao), viêm thận (ở người có tuổi, thận yếu...).

Thuốc điều trị viêm xoang do nhiễm khuẩn

Việc sử dụng kháng sinh đường uống kết hợp thuốc nhỏ mũi, thuốc chống phù nề, thuốc kháng viêm… có thể rút ngắn thời gian bị viêm xoang do nhiễm khuẩn nặng và cũng có thể làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng. Các thuốc dùng để điều trị viêm xoang do nhiễm khuẩn bao gồm amoxicillin, doxycycline hoặc thuốc kết hợp trimethoprim - sulfamethoxazole. Nếu nhiễm khuẩn không hết hoặc nếu viêm xoang tái phát, bác sĩ có thể thử một loại kháng sinh khác. Tuy nhiên, việc chọn lựa kháng sinh, liều dùng, đường dùng, thời gian sử dụng cho từng bệnh nhân… cũng rất quan trọng, quyết định việc thành công trong điều trị bệnh hay không.

Theo Hiệp hội Mũi xoang Mỹ, châu Âu thì điều trị kháng sinh chữa viêm mũi xoang thường kéo dài hơn bình thường, thời gian điều trị từ 15-20 ngày. Bệnh nhân không còn ngạt mũi, không còn mủ vẫn phải điều trị kháng sinh trong 1 tuần tiếp theo mới dứt điểm được nên nếu chỉ uống thuốc 5-7 ngày, người bệnh cảm giác khỏi nhưng về bản chất là chưa khỏi hẳn, khi dừng thuốc sẽ tạo điều kiện vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn cho lần điều trị sau.

Thuốc điều trị viêm mũi xoang do nấm

Khi bị viêm xoang do nấm, bệnh nhân có thể được chỉ định các thuốc kháng nấm như amphotericin B, fluconazol, flucytosin, nystatin hoặc voriconazole. Các liều thuốc cũng như thời gian điều trị bao lâu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tùy theo nguyên nhân và giai đoạn của viêm xoang mà người bệnh có phác đồ điều trị khác nhau. Vì thế, người bệnh cần tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn và điều trị đúng cách, kịp thời và an toàn, không sử dụng các phương pháp dân gian để tự chữa. Để điều trị viêm xoang tận gốc, người bệnh cần kiên trì và tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ về liệu trình thuốc, không lạm dụng hoặc dừng thuốc ngay khi vừa thấy dứt triệu chứng dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.

Ds. Vũ Thùy Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-khi-bi-viem-mui-xoang-n188062.html