Dùng thuốc để khỏe: Chớ tùy tiện

Khi sức đề kháng giảm, là cơ hội cho nhiều bệnh tật có thể phát sinh. Việc nâng cao sức đề kháng là cần thiết giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu tự ý dùng thuốc, dùng không đúng cách các sản phẩm tăng cường miễn dịch sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe…

Vitamin C

Vitamin C là một chất chống ôxy hóa rất mạnh, hỗ trợ hệ miễn dịch công kích vi khuẩn và virus. Nó cũng giúp cơ thể tạo ra interferon (một loại protein ngăn không cho virus phát triển trong cơ thể). Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng cường glutathione (thải độc) và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Vitamin C có thể được tìm thấy trong các loại trái cây họ cam quýt như cam và chanh cũng như các loại trái cây khác như dâu, ổi, kiwi và dâu tây hoặc có thể được tìm thấy với số lượng lớn trong các loại rau khác như ớt chuông đỏ.

Tuy nhiên nếu lạm dụng vitamin C bằng thuốc có thể sẽ gây ra các bất lợi như: Rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, tá tràng, đau đầu, mất ngủ, viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận…

Các sản phẩm bằng thuốc chỉ an toàn khi được sử dụng đúng với liều lượng hợp lý.

Các sản phẩm bằng thuốc chỉ an toàn khi được sử dụng đúng với liều lượng hợp lý.

Beta-carotene

Những thực vật mà có màu vàng, cam và những loại rau có lá màu xanh đậm rất giàu beta caroten. Ví dụ: Một số loại củ quả như bí ngô, cà rốt, khoai lang, xoài, đu đủ, đào. Một số loại rau như bắp cải, rau diếp, cải xoăn, cải xoong, củ cải. Một số thực phẩm khác là đậu hà lan, quả anh đào, mận…

Beta-carotene là tiền chất của vitamin A, giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, ngăn chặn mù lòa, làm lành mạnh hóa hệ miễn dịch.

Trong một nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ được công bố năm 2008 trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng nồng độ beta-carotene trong máu cao hơn có liên quan đến mức độ thấp của phản ứng viêm (CRP).

Khi thừa betacaroten (vitamin A) có thể gây ngộ độc mạn tính như: Đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi; da phát ban đỏ, khô và bong vảy; môi khô và nứt, rụng tóc; trẻ thường bị vàng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, chậm lớn, chậm tăng cân…

Vitamin E

Loại vitamin này tham gia vào quá trình chuyển hóa của các tế bào, giảm oxy hóa các protein tan trong mỡ do đó giúp ngăn ngừa được bệnh xơ vữa động mạch. Vitami n E còn giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương, do đó sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Vitamin E được tìm thấy trong quả óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, hạt hướng dương, rau bina và bông cải xanh... Các loại dầu tốt nhất có vitamin này là dầu hướng dương, dầu mầm lúa mì và dầu đậu nành.

Tuy nhiên quá nhiều vitamin E có thể gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi… nặng hơn có thể làm loãng máu, tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết hoặc đột quỵ do chảy máu trong não.

Vitamin K

Vitamin K là một loại vitamin hòa tan trong chất béo thiết yếu liên quan đến sức khỏe của tim và xương. Đây cũng là một trong những loại vitamin tốt cho sức khỏe hệ thống miễn dịch.

Ăn đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp cơ thể có đủ các vitamin.

Vitamin K hoạt động như một đồng yếu tố cho nhiều protein huyết tương và tăng cường khả năng miễn dịch bẩm sinh. Vitamin K mà cơ thể hấp thụ từ chế độ ăn uống có liên quan đến vi khuẩn đường ruột. Do đó, nồng độ vitamin K trong máu phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe tiêu hóa.

Loại vitamin này được tìm thấy trong các loại rau lá xanh như rau bina, cải xoăn, củ cải xanh, mùi tây và rau diếp lá xanh. Các loại trái cây như mận, kiwi, lựu cũng rất giàu Vitamin K.

Khi dùng quá liều vitamin K có thể gây một số bất lợi như: tăng tiết mồ hôi, khó thở, giảm vận động hoặc hoạt động, đỏ da…

Omega-3

Là loại axit béo được cơ thể sử dụng để tạo ra eicosanoids (có vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch). Eicosanoid làm giảm các dấu hiệu sinh học của chứng viêm bao gồm: Protein phản ứng C (CRP), interleukin-6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u alpha (TNFα).

Cá là một nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, đặc biệt là các loại cá béo (cá hồi, cá mòi, các trích…). Axit béo omega-3 cũng được tìm thấy trong các loại hạt (hạt lanh, hạt bí ngô, hạt chia), rau củ (cải xoăn, rau bó xôi, cải xanh, súp lơ, rau bina) và các sản phẩm tăng cường omega-3 (các chất bổ sung như dầu cá, bột protein, các loại bánh thay cho bữa ăn)… Một số nghiên cứu cho thấy việc tăng lượng trái cây và rau quả có liên quan đến việc giảm CRP.

Tuy nhiên, omega-3 có thể gây ra một số bất lợi như: Rối loạn tiêu hóa (ợ hơi mùi vị tanh của cá, buồn nôn, khó tiêu, nôn, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón); chảy máu (đặc biệt khi dùng liều cao omega-3 gây ức chế sự kết tập tiểu cầu, làm tăng thời gian chảy máu, cần lưu ý khi dùng cho người có nguy cơ xuất huyết, người có rối loạn đông máu và khi có xuất huyết)… Trong trường hợp có dị ứng hoặc quá mẫn cảm khi ăn cá, thì cần tránh uống dầu cá hoặc omega-3 (lấy từ dầu cá).

Không nên coi bổ sung vitamin thay thế cho một chế độ ăn uống tốt. Chỉ bổ sung bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh việc dùng thuốc không đúng và bất lợi của thuốc khi dùng quá nhiều…

DS. Hoàng Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-de-khoe-cho-tuy-tien-n194539.html