Dùng thực phẩm chức năng đúng cách

Bộ Y tế nước ta định nghĩa thực phẩm chức năng (TPCN) là loại hỗ trợ cho các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bênh.

Thực phẩm chức năng là gì?

Theo Hiệp hội Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC), viện Khoa học và Đời sống Quốc tế (ILSI), viện Y học thuộc Hàn lâm Khoa học Mỹ, TPCN bao gồm các loại có hay không có chế biến mang lại lợi ích sức khỏe vượt xa hơn dinh dưỡng cơ bản hoặc thành phần dinh dưỡng truyền thống của nó.

Theo Hiệp hội Sức khỏe Dinh dưỡng Nhật, các cơ quan quản lý trong khối EU, TPCN bao gồm một số loại đã dược bổ sung một số chất có lợi hay loại bỏ một số chất bất lợi; được chứng minh một cách khoa học tác dụng của chúng lên các cơ quan chức năng của cơ thể (không đòi hỏi chứng minh hiệu quả chữa bệnh) và phải được Bộ Y tế chấp nhận.

Bộ Y tế nước ta định nghĩa TPCN là loại hỗ trợ cho các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bênh. Theo đó, định nghĩa này gần giống định nghĩa của IFIC, ILSI, Mỹ.

Các định nghĩa trên tuy có phần khác nhau song có một số điểm giống nhau căn bản là: “TPCN phải có ít nhất một thành phần nổi trội có lợi cho sức khỏe, không có tính chữa bệnh, không thay thế được thuốc chữa bệnh”. Tuy nhiên không có sự phân định thật rạch ròi giữa TPCN và thuốc, giữa TPCN với thực phẩm thông thường.

Nhà sản xuất (NSX) phải đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước và tự nguyện công bố chất lượng. Không cơ quan quản lý nhà nước nào bắt buộc NSX phải chứng minh hiệu quả lâm sàng. Theo đó, giấy phép cho lưu hành TPCN cũng không có nội dung chứng thực các công dụng mà NSX ghi lên nhãn, tờ giới thiệu, quảng cáo.

Những quy ước trước đây và khuynh hướng sản xuất hiện nay

Theo quy ước trước đây, chỉ đưa vào thành phần TPCN hoạt chất chức năng có hàm lượng vừa đủ nhằm bù đắp lượng thiếu hụt trong khẩu phần ăn… với mức thông thường sẽ không bị quá liều. Nhưng quy ước này hiện nay thường thay đổi (nới rộng thậm chí không còn đi theo các quy ước cũ):

Nhà sản xuất đưa vào thành phần TPCN hoạt chất chức năng có hàm lượng cao hơn quy ước có khi nhiều lần (nhằm quảng cáo sản phẩm có hiệu lực cao); đưa vào hoạt chất chức năng vừa có lợi vừa có hại (ví dụ đưa selen vào TPCN chống lão hóa); đưa vào thành phần có tính sinh học như phytoestrogen (estrogen thực vật) hay hoạt chất chức năng có tính kích thích tạo ra các chất sinh học như hormon tăng trưởng (GH) testosteron…

Mặt khác NSX không lấy thực phẩm làm nền mà đôi khi lấy hẳn các nguyên liệu xưa nay chỉ dùng làm thuốc hoặc lấy hẳn một công thức thuốc y học cố truyền và cải biên đi một phần rồi tạo ra TPCN.

Những khuynh hướng này tạo ra một số điều có lợi (tăng hiệu quả, làm đa năng công dụng TPCN…) nhưng cũng tạo ra một số điều không có lợi (có thể gây độc, có thể gây quá liều, có thể gây ra các tác dụng ngoài ý muốn; một số TPCN chỉ có thể dùng cho một số đối tượng nhất định theo liều nhất định nếu không sẽ có thể gây ra tai biến).

Công dụng TPCN được quảng cáo như thế nào?

- Loại công dụng có lợi cho sức khỏe (health claims) mà sản phẩm có được, khá tin cậy. Ví dụ: TPCN có chứa các thành phần chức năng như bạch thược, hy thiêm, sẽ tác dụng hỗ trợ trong điều trị viêm khớp dạng thấp vì chúng vốn là các dược liệu mà YHCT dùng để điều trị bệnh này.

TPCN có chứa các thành phần chức năng là dịch chiết cây chè dây hỗ trợ trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày vì chính chè dây đã được dùng để điều trị bệnh này.

- Loại công dụng suy ra từ cấu trúc chức năng (structure/function claims)

Nếu suy luận có cơ sở khoa học, có chừng mực, sự giới thiệu công dụng này có thể làm cho người bệnh hy vọng. Thí dụ TPCN có chứa các chất làm giảm cholesterol toàn phần, giảm cholesterol xấu, NSX có thể dựa vào đó mà giới thiệu có công dụng hỗ trợ trong điều trị xơ vữa mạch.

Nếu suy luận chưa có cơ sở khoa học vững chắc và không có chừng mực, công dụng sản phẩm được giới thiệu chỉ là tiềm năng chưa hẳn là có thể có được.

Chẳng hạn nguyên lý chung là các chất chống gốc tự do như vitamin E, betacaroten, selen, alphalipoicacid làm chậm quá trình oxy hóa, ngăn ngừa sự biến dị gien di truyền DNA… nên khi sản phẩm TPCN có chứa các chất này, NSX cũng giới thiệu sản phẩm có công dụng hỗ trợ chống lão hóa, hỗ trợ điều trị ung thư (dù viêc chống lão hóa có rất nhiều cách chứ không chỉ làm chậm sự oxy hóa và việc chống tế bào ung thư cũng không hẳn chỉ dựa vào chống biến dị DNA).

Nếu suy luận chưa có cơ sở khoa học chắc chắn và suy luận quá đà, công dụng sản phẩm đươc giới thiệu không thể nào có được. Thí dụ: hormon tăng trưởng (GH) có tính làm tăng chiều dài của xương, kích thích sự tăng trưởng, tăng sinh, tái tạo. Một số TPCN quảng cáo chứa các chất kích thích tạo ra GH từ đó giới thiệu sản phẩm có công dụng tăng chiều cao và chống lão hóa.

Về mặt khoa học, trong các thử nghiệm, dùng GH chính gốc cũng chỉ làm tăng chiều cao của trẻ có chiều cao khiêm tốn do thiếu GH chứ không làm tăng chiều cao của mọi trẻ có chiều cao khiêm tốn do các nguyên nhân khác và GH cũng chưa được công nhận là chất chống lão hóa. Đương nhiên TPCN nói trên sẽ không có được các công dụng như giới thiệu.

Cần chú ý gì khi dùng một số TPCN

- TPCN chứa hormon: Thành phần gồm chất sinh học như phytosteron, hay các chất kích thích tạo ra hormon. Vì NSX không giới thiệu cơ chế và không có cách điều tiết việc tạo ra hormon nên không thể biết chắc chắn hàm lượng hormon được tạo ra, từ đó không thể đánh giá hiệu lực và tác dụng không mong muốn. Không được dùng TPCN này cho trẻ dưới 12 tuổi. Người lớn cũng không tùy tiện dùng liều cao kéo dài vì rất có thể bị hại. Thí dụ, dùng TPCN chứa quá nhiều testosteron có thể sẽ bị u xơ tiền liệt tuyến, suy giảm việc sản xuất tinh trùng dẫn đến vô sinh.

TPCN chống béo: Thành phần có protein, aminoacid, vitamin nhằm tạo ra năng lượng cao để người béo ăn ít nhưng vẫn ra đủ năng lượng và không thừa. Nếu người không được xếp vào loại béo mà cứ ngộ nhận mình bị béo rồi dùng thường xuyên sản phẩm này sẽ bị rối loạn chất, rối loạn dinh dưỡng vì TPCN này thiếu hẳn 2 thành phần cơ bản của thức ăn là glucid và lipid. Ngay cả người béo mà dùng TPCN này quá đà cũng sẽ bị tác dụng có hại này.

- TPCN bổ sung dinh dưỡng: Thành phần làm từ sữa đậu nành, sữa… cung cấp một hỗn hợp protein gồm nhiều aminoacid, canxi, sắt và chứa rất ít choletsterol chất béo. Sản phẩm này giúp tăng cường sức đề kháng giảm mỏi mệt, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. Tuy nhiên chỉ được dùng cho người lớn và trẻ em trên 3 tuổi theo liều đã hướng dẫn (người lớn 25g/ngày)

- TPCN chứa chất chống oxy hóa: Thành phần gồm vitamin E, selen, bột rau ngải tây (chứa carotenoid) được dùng cho người hay tiếp xúc với môi trường độc hại, người nghiện thuốc lá. Không dùng sản phẩm này quá mức vì dùng nhiều selen sẽ bị hội chứng selenoid, dùng nhiều vitamin E cũng không có lợi.

- TPCN bổ sung vitamin C: Thành phần: Mỗi viên chứa 250mg vitamin C tự nhiên 35mg flavonoid tự nhiên (chiết từ cam) và chất dinh dưỡng thực vật (phytonitrien). Dùng để tăng sức đề kháng, dùng cho người hay hút thuốc lá uống rượu bia. Nếu dùng nhiều và kéo dài cũng không lợi (làm cho cơ thể quen đi khi không dùng sẽ cảm thấy mỏi mệt), ngoài ra còn có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát dạ dày, tiêu chảy) gây thừa sắt (do vitamin C làm tăng hấp thu sắt).

- TPCN bổ gan mật: Thành phần thường là các loại chè hãm (như chè actiso, chè nhân trần) hay các viên (viên bổ gan tiêu độc). Chỉ dùng hỗ trợ phục hồi khi chức năng gan mật suy giảm, còn khi chức năng gan mật đã phục hồi thì ngừng, nếu dùng kéo dài sẽ làm cho gan mật “mệt thêm” vì phải làm chuyển hóa chính sản phẩm TPCN này.

DS.CKII. BÙI VĂN UY/Sức khỏe & Đời sống

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/dung-thuc-pham-chuc-nang-dung-cach-60749.htm