Dùng 'thu giá' thay cho thu phí như 'bôi mỡ cho kiến đốt'

Điều 48 của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đường cao tốc có nghĩa vụ có nghĩa vụ thu giá sử dụng đường cao tốc.

Sáng 16/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Bất bình đẳng nếu không thu phí sử dụng đường cao tốc

Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề cập đến quy định phí sử dụng đường bộ trong dự thảo Luật tại Điều 46.

Đại biểu Cường nói rằng, ông đồng ý đề xuất của Chính phủ về việc phí sử dụng đường bộ bao gồm 2 loại là phí thu theo phương tiện giao thông và phí thu sử dụng các công trình giao thông như là công trình đường cao tốc hoặc một số hầm giao thông đường bộ.

Theo đại biểu Cường, nếu không quy định về phí sử dụng đường cao tốc riêng thì sẽ xảy ra 2 bất bình đẳng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Bất bình đẳng thứ nhất là giữa những địa phương được đầu tư đường cao tốc với những địa phương không được đầu tư, giữa những người dân được sử dụng đường cao tốc với những người dân không được sự đường cao tốc.

“Nếu không thu phí sử dụng đường cao tốc riêng thì vô hình chung, người dân đều có nghĩa vụ đóng góp như nhau vào ngân sách, nhưng có những người được sử dụng các tuyến đường cao tốc rất thuận lợi, có những người lại không có điều kiện để sử dụng đường cao tốc” – đại biểu Cường nói.

Ông Cường dẫn lại câu hỏi của một đại biểu Quốc hội phía Nam tại phiên chất vấn vừa qua về việc tại sao miền Bắc, các tỉnh phía Bắc đầu tư rất nhiều đường cao tốc, còn phía Nam rất ít đường cao tốc và nêu rõ, các địa phương được đầu tư cao tốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, đúng ra phải trả phí cho việc hưởng lợi nhiều hơn đó. Mức hưởng thụ khác nhau nên phải có nghĩa vụ đóng góp khác nhau.

Bất bình đẳng thứ hai là không bảo đảm công bằng giữa những người cùng sử dụng đường cao tốc nhưng một bên là đường cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư và một bên là đường cao tốc do các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia đầu tư theo hình thức BOT.

Ngay một số nước phát triển có hệ thống đường cao tốc rộng khắp, điển hình như Mỹ, cũng vẫn thu phí đường cao tốc, thậm chí theo làn, có những làn tốc độ cao, ưu tiên vẫn phải trả phí, làn không ưu tiên không phải trả phí.

Tuy nhiên, đi kèm với việc quy định thu phí đường cao tốc, theo ông Cường, phải quy định đã xây dựng đường cao tốc hay các công trình đặc thù phải có các công trình song hành để bảo đảm quyền lực chọn của người dân, ví dụ các đường dân sinh, các đường công trình khác để người nào có nhu cầu phải đi nhanh, tiện lợi thì chọn đi đường cao tốc và phải trả phí; còn người nào chấp nhận không mất phí, không muốn trả phí thì có thể sử dụng đường song hành. Như vậy, chúng ta tôn trọng và bảo đảm quyền lựa chọn của người dân.

"Vô lý, tại sao người đầu tư, người dùng đường cao tốc BOT thì chúng ta phải bỏ tiền để trả cho nhà đầu tư? Còn nếu Nhà nước đầu tư, chúng ta lại không phải bỏ tiền để trả ra và những bất bình đẳng giữa 2 người này" - ông Cường nêu ra bất bình đẳng thứ hai.

Do vậy, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh: “Trong điều kiện chúng ta chưa đủ ngân sách để đầu tư toàn bộ hệ thống đường cao tốc đồng bộ và phủ kín ở khắp tất cả mọi vùng, miền, tôi cho rằng, việc chúng ta quy định những người nào sử dụng đường cao tốc và các công trình đặc thù khác thì phải trả thêm phí đó. Tôi nghĩ đó cũng là điều bình đẳng" - ông Cường khẳng định.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Trong phần tiếp thu ý kiến giải trình của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, chúng ta có một kế hoạch xây dựng đường cao tốc rất lớn mà chúng ta hiện nay đang rất là khó khăn.

"Nghị quyết 52, Nghị quyết 117 của Quốc hội cũng đã cho phép chúng ta đầu tư bằng ngân sách nhà nước thì sẽ tổ chức thu phí. Do đó, đây là cơ sở để chúng tôi đưa vào trong luật" - ông Thể cho biết.

Theo ông Thể, khi đã đưa vào trong luật thì đảm bảo công bằng giữa các vùng, miền và chúng ta có kinh phí để phát triển đường cao tốc, có điều kiện để quản lý giao thông vận tải tốt.

Dùng "thu giá" thay cho thu phí như "bôi mỡ cho kiến đốt"

Đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý, Điều 48 dự thảo Luật có quy định những cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng đường cao tốc để kinh doanh được thu phí, nhưng lại nói là thu giá sử dụng đường cao tốc.

“Nếu quy định vào văn bản như thế này sẽ lại rơi vào tình trạng "bôi mỡ cho kiến đốt" như trước đây, xã hội đã phản ứng rất nhiều khi chúng ta sử dụng từ "thu giá giao thông"” – đại biểu Cường nói.

Ông đề nghị, quy định này phải sửa lại là những đường được đầu tư xây dựng để kinh doanh được quyền thu phí sử dụng đường, nhưng thu phí theo cơ chế giá chứ không nên viết là thu giá.

Mời độc giả xem thêm video Bắt Phó Tổng Giám Đốc Liên Quan Đường Cao Tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dung-thu-gia-thay-cho-thu-phi-nhu-boi-mo-cho-kien-dot-1461711.html