Dừng thỏa thuận sử dụng plutonium: Nga - Mỹ leo thang căng thẳng mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium.

Ngày 3/10, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ lại bị đẩy lên một mức mới sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/10 ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium, chất có thể chế tạo bom nguyên tử.

Nga dừng thỏa thuận

Ông Putin cho biết, quyết định ngừng thỏa thuận về sử dụng plutonium với Mỹ là do những thay đổi cụ thể của tình hình hiện nay, việc xuất hiện những mối đe dọa ổn định chiến lược vì Mỹ có các hành động “không thân thiện” và “không đủ khả năng” bảo đảm việc thực thi những cam kết về việc sử dụng lượng plutonium để chế tạo vũ khí đang ở mức dư thừa theo các hiệp ước quốc tế. Một lý do nữa là xuất phát từ việc Nga cần áp dụng các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Sắc lệnh cũng nêu rõ, plutonium không được sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác, cũng như không được sử dụng trong nghiên cứu hoặc thử nghiệm các thiết bị nổ tương tự hay bất kỳ mục đích quân sự nào khác. Thỏa thuận về sử dụng plutonium được Mỹ và Nga ký kết năm 2010, cam kết mỗi bên sẽ loại bỏ 34 tấn plutonium ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí vượt mức quy định của mỗi nước.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo cho phía Mỹ về quyết định trên của người đứng đầu nước Nga. Ngày 3/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Moscow đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutonium cấp độ vũ khí là một tín hiệu gửi tới Washington rằng những dọa dẫm và đe dọa trừng phạt đối với Nga sẽ không có tác dụng.

Mỹ phản ứng

Động thái trên vấp phải sự chỉ trích của Mỹ chỉ vài giờ sau đó. Ngày 4/10 (theo giờ Việt Nam), Mỹ tuyên bố ngừng hợp tác với Nga về vấn đề Syria để đáp trả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, sẽ dừng các cuộc tiếp xúc song phương với Nga về vấn đề Syria. Theo ông Kirby, Nga đã không thực hiện các cam kết của mình theo lệnh ngừng bắn. Theo giới ngoại giao phương Tây, việc chấm dứt các cuộc đối thoại song phương giữa Nga và Mỹ có thể khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang, với việc Nga theo đuổi chiến dịch quân sự ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Mỹ cũng có thể sẽ cân nhắc các lựa chọn giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria.

Phản ứng trước quyết định của Mỹ ngừng đàm phán về vấn đề Syria, ngày 4/10, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đây là một quyết định rất đáng thất vọng, đồng thời kêu gọi Washington nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và cân nhắc lại về quyết định này. Bộ này khẳng định lấy làm tiếc về quyết định đơn phương của Washington ngừng mọi cuộc đối thoại với Moscow nhằm vãn hồi hòa bình cho Syria.

Giới phân tích cho rằng, căng thẳng mới trong quan hệ Nga - Mỹ có thể sẽ dẫn tới đụng độ quân sự giữa hai bên, cụ thể là tại Syria. Chuyên viên phân tích quân sự Alexander Perendzhiev thuộc trường Đại học Kinh tế tổng hợp Nga ngày 4/10 cho rằng, tất cả các cuộc đàm phán của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã theo đuổi mục tiêu chính yếu là ngăn ngừa xung đột giữa Nga - Mỹ tại Syria . Nếu hai bên chấm dứt các cuộc tiếp xúc song phương, hậu quả sẽ không thể lường trước được, bởi Nga và Mỹ nhắm tới những mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

Trong khi đó, nguồn tin từ Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 4/10 cho biết, nước này có thể khôi phục hiệu lực thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số cá nhân ở Nga mà Mỹ cho là “vi phạm nhân quyền”. Ngoài ra, phía Nga cũng yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì nước này buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả và yêu cầu Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.

Thùy Linh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dung-thoa-thuan-su-dung-plutonium-nga--my-leo-thang-cang-thang-moi-d171015.html