Dùng thiên địch để bảo vệ mùa màng tại châu Phi

Lâu nay, người nông dân trồng cà chua tại Kenya thường xuyên phải đối mặt với một loại bướm đêm đặc biệt nguy hiểm, có tên khoa học Tuta absoluta.

Ấu trùng của loài gây hại này phát triển bằng cách ăn lá cũng như phần lõi của quả cà chua, khiến cây bị dị dạng và héo mòn. Loài côn trùng có nguồn gốc từ Peru này lần đầu tiên được phát hiện ở châu Phi vào năm 2008, từ đó lan khắp lục địa với tốc độ chóng mặt. Ở một số quốc gia như Nigeria, Tuta absoluta được ví như “dịch Ebola” trên cây cà chua.

 Các nhà khoa học của Icipe thả ong bắp cày lên một cánh đồng cà chua. Ảnh: Icipe

Các nhà khoa học của Icipe thả ong bắp cày lên một cánh đồng cà chua. Ảnh: Icipe

Tân Hoa xã dẫn lời ông Isaac Macharia, tổng giám đốc Cơ quan Kiểm dịch thực vật Kenya cho biết, nếu không có các biện pháp phòng trừ hiệu quả, Tuta absoluta có thể tàn phá 100% diện tích nông sản. Hơn nữa, một trong những trở ngại chính để kiểm soát loài côn trùng gây hại này là tốc độ sinh sản nhanh, dẫn tới khả năng kháng các loại thuốc trừ sâu. Vì lẽ đó, nông dân tại các vùng bị ảnh hưởng đã tìm đến biện pháp tăng lượng thuốc sử dụng cũng như tần suất phun thuốc. Điều này dẫn tới việc tăng chi phí sản xuất và mối nguy hại về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn không thể kiểm soát sự lây lan của dịch hại.

Các nhà khoa học của Trung tâm Côn trùng và Sinh thái quốc tế tại Nairobi (Icipe) đã tìm ra một giải pháp từ chính quê hương Peru của loài côn trùng này. Đó là một loài ong bắp cày chuyên săn tìm và đẻ trứng vào trong sâu bướm. Ấu trùng ong bắp cày sau khi trưởng thành sẽ giết chết ấu trùng bướm, nhờ đó kiểm soát sự phát triển của Tuta absoluta mà không gây ảnh hưởng đến môi trường và các loài côn trùng bản địa.

Mới đây, các nhà khoa học của Icipe đã thả bầy ong bắp cày thiên địch đầu tiên tại bang Kirinyaga, vùng trồng cà chua lớn nhất Kenya. Loài ong này được dự kiến sẽ phát tán nhanh do diện tích các ổ dịch lớn tại đây. Trong tương lai, một số bầy ong khác cũng sẽ được triển khai tại các vùng trồng cà chua khác ở Kenya, cũng như tại nước láng giềng Ethiopia.

Theo ông Sunday Ekesi, Giám đốc Nghiên cứu và Đối tác tại Icipe, việc giới thiệu kẻ thù tự nhiên của sâu bệnh để bảo vệ mùa màng có ý nghĩa đặc biệt, cho phép châu Phi giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của các loài dịch hại xâm lấn cũng như những tác động tiêu cực của chúng đối với nông nghiệp và sinh kế.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dung-thien-dich-de-bao-ve-mua-mang-tai-chau-phi-647505