Dừng thí điểm taxi công nghệ: Phần thắng không thuộc về ai

Từ 1/4, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ dừng hoạt động thí điểm xe công nghệ. Phải chăng đây sẽ là hồi kết cho mô hình taxi công nghệ đang nỗ lực chinh phục thị trường Việt Nam như Grab, FastGo, Be...?

Việc dừng thí điểm taxi công nghệ được cho là hợp lý

Việc dừng thí điểm taxi công nghệ được cho là hợp lý

Chuyển sang hình thức kinh doanh phù hợp

Bộ GTVT vừa ban hành quyết định từ ngày 1/4 tới sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (taxi công nghệ).

Theo đó, việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ (Grab, Vato, Emdi, FastGo, Be...) theo Quyết định 24 năm 2016 của Bộ GTVT sẽ dừng từ ngày 1/4/2020. Các hình thức kinh doanh này sẽ chuyển sang áp dụng theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/4 (thay thế Nghị định 86/2014).

Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT các địa phương, gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị thí điểm kinh doanh “taxi công nghệ” dừng hoạt động từ ngày 1/4. Các đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đang thí điểm, các đơn vị đang liên kết phương tiện chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp theo Nghị định 10.

Vì sao phải dừng Quyết định 24 năm 2016 của Bộ GTVT?

Tại thời điểm ban hành, Nghị định 86/2014 đã tạo ra một cuộc tranh luận kéo dài về việc định danh “taxi công nghệ” cũng như các vấn đề xung quanh kinh tế số. Có hai luồng dư luận: Các hãng như Grab, FastGo... là doanh nghiệp vận tải hay doanh nghiệp dịch vụ công nghệ. Đặc biệt, tranh cãi tập trung ở việc có nên “gắn mào” cho taxi công nghệ hay không.

Bình luận về vấn đề này, TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức, cho rằng việc này là không cần thiết, gây tốn kém. Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống là không hợp lý.

Việc bị quy hết thành taxi được nhận định là sẽ “bóp nghẹt” sự phát triển của các startup và ứng dụng về vận tải hành khách. Từ đó làm cho người tiêu dùng bị thiệt hại bởi chính sự cạnh tranh thời gian qua đã khiến các hãng taxi chú trọng hơn đến việc chăm sóc khách hàng. “Nếu giờ chúng ta quản lý Grab hay các ứng dụng gọi xe khác như taxi truyền thống thì tất cả về con số 0, còn gọi gì là 4.0”, ông Liên nói.

Đồng thời ông Liên cũng bày tỏ, nếu quản lý như taxi truyền thống có nguy cơ các hãng xe công nghệ này sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ không còn được hưởng lợi từ việc đi xe công nghệ giá rẻ nữa.

Ở chiều ngược lại, nhà nghiên cứu giao thông vận tải Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ, khi kinh doanh vận tải điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn và sự hài lòng cho khách hàng. Cho nên việc “gắn mào”, đổi phù hiệu cho xe Grab là việc nên làm. Điều này giúp khách hàng, cơ quan quản lý dễ nhận diện đối tượng và dễ quản lý hơn.

“Việc “gắn mào”, đổi phù hiệu “xe hợp đồng” sang “xe taxi” không ảnh hưởng đến vấn đề ứng dụng hay không ứng dụng công nghệ trong việc kinh doanh vận tải. Chỉ có điều, đối với xe Grab, họ có ứng dụng, có phần mềm gọi xe, hoạt động hiệu quả, khách hàng được hưởng lợi, nên chăng, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho loại hình này hoạt động, phát triển”, ông Thủy nói.

Bình luận về việc dừng thí điểm “taxi công nghệ” - ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật Kinh tế - Viện Nhà nước và Pháp luật nhận định, việc Bộ GTVT dừng Quyết định 24 năm 2016 là đúng, thậm chí là muộn. Bởi hiện tại đã có nghị định mới quy định chi tiết hơn về loại hình dịch vụ này.

Thời điểm được ban hành Bộ GTVT chỉ cho thí điểm 2 năm. “Quan trọng là đánh giá lại kết quả thí điểm theo Quyết định 24. Ở thời điểm đó, Nghị định 86/2014 đã không thể bao quát được khái niệm ‘xe công nghệ’. Việc dừng thí điểm chỉ có ý nghĩa về thủ tục pháp lý”.

Trên thực tế, việc Bộ GTVT cho dừng thí điểm loại hình “taxi công nghệ” không phải là thắng lợi hay thảm họa của bất cứ “phe” nào trong câu chuyện định danh loại hình dịch vụ này.

“Hiện đã có Nghị định 10/2020 quy định khá chi tiết về nó nên việc thí điểm không còn có ý nghĩa nữa. Đây cũng là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý Nhà nước, không nên hiểu căng thẳng như là chấm dứt một mô hình mới”, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại cho biết.

Một số khái niệm liên quan đến “taxi công nghệ” được quy định trong Nghị định 10/2020:

Điều 6. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi
a) Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm. Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe;

3. Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền).
a) Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến;
b) Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
c) Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/dung-thi-diem-taxi-cong-nghe-phan-thang-khong-thuoc-ve-ai-4066374-b.html