Đừng thấy vướng do yếu kém lại đòi sửa luật

Vì sao Luật Đầu tư công lại phải sửa sau chưa đầy 5 năm ra đời? Khi sửa đổi, có những vướng mắc nào cần phải tháo gỡ?

Ông Bùi Văn Xuyền

Ông Bùi Văn Xuyền

Việc Luật Đầu tư công ra đời được đánh giá là đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công...

Đó là ý kiến của ông Bùi Văn Xuyền (ảnh trên), Thường trực Ủy ban Pháp luật, người được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao phối hợp cùng cơ quan thẩm tra rà soát dự án Luật Đầu tư công. Đây cũng là dự án luật có nhiều nội dung gây tranh cãi khi Quốc hội họp bàn cho ý kiến sửa đổi.

Theo đánh giá, nguyên nhân sửa Luật Đầu tư công không phải là do bất cập của luật, mà do khâu thực hiện còn nhiều vướng mắc. Qua giám sát, ông đánh giá thế nào về các quy định thủ tục của luật hiện hành?

Không thể phủ nhận kết quả mà Luật Đầu tư công hiện hành mang lại. Luật đưa ra những quy định chặt chẽ từ việc ra chủ trương, quyết định dự án đầu tư tới phê duyệt và giao kế hoạch vốn; tránh tình trạng như ngày trước cứ đưa dự án vào làm đã, rồi tính vốn sau dẫn tới tình trạng hàng loạt công trình đầu tư dang dở gây lãng phí. Nếu như nhiệm kỳ 2011-2015 chúng ta có 20 nghìn dự án đầu tư công thì tới nhiệm kỳ này chỉ còn 9.600 dự án. Con số này chứng tỏ Luật đã thực hiện được mục tiêu chống đầu tư dàn trải, chống nợ đọng.

Theo tôi được biết, trên thế giới chỉ có Việt Nam làm Luật Đầu tư công. Thời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng từng nói làm luật này chẳng khác nào chúng ta tự “lấy đá ghè chân mình”. Luật giúp minh bạch tránh cơ chế xin cho, loại bỏ tiêu cực, đồng thời góp phần quản lý chặt đầu tư công. Rõ ràng khi đã siết chặt thì thực hiện sẽ phải gặp khó hơn, đòi hỏi người làm phải mất công hơn, chú tâm tập trung công tác quản lý tốt hơn thì mới làm theo đúng yêu cầu của luật.

Còn nếu anh cứ làm phứa đi, đưa dăm câu ba điều vào hồ sơ thì sao có thể đạt chất lượng, sao có thể phê duyệt? Muốn vậy, cấp trên phải hướng dẫn cấp dưới chi tiết cụ thể từ khâu khảo sát, đánh giá phải có căn cứ khoa học chứ không chỉ ngồi một chỗ để ước lượng, vẽ ra dự án!

Nhưng rõ ràng thời gian qua có rất nhiều bộ ngành, địa phương “kêu” về thủ tục quá phức tạp, khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Bản thân tôi khi tiếp xúc ở dưới cũng nhận được rất nhiều lời than phiền về câu chuyện thủ tục phức tạp, bị “ngâm” hồ sơ, chậm phê duyệt, cứ đưa lên lại bị trả về.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân sửa Luật Đầu tư công không phải là do bất cập của luật, mà do thực hiện còn nhiều vướng mắc. Dẫn chứng, ông Dũng cho biết, hiện nay hầu hết dự án do các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị và Bộ KH-ĐT thay mặt Chính phủ trình Quốc hội. Tuy nhiên, việc triển khai, chuẩn bị dự án yếu kém, tùy tiện về chất lượng, thậm chí có lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án rất chậm là do các cấp không thực hiện nghiêm và quyết liệt, dẫn đến không đủ thủ tục giao và triển khai dự án, hàng năm, Bộ phải đi kiểm tra, giám sát để tháo gỡ khó khăn. Vì vậy, việc sửa luật là để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong điều chỉnh, phê duyệt dự án.

Đem phản ánh này tới cán bộ chuyên trách của Bộ KH-ĐT, hỏi lý do vì sao thì tôi rất bất ngờ khi nhận được câu trả lời: Hồ sơ chuẩn bị thẩm định vốn hay ra quyết định chủ trương đầu tư mà địa phương, bộ ngành trình lên rất sơ sài không đảm bảo yêu cầu nên phải trả lại.

Tuy nhiên, khi nhận về họ cũng không chịu bổ sung hoàn thiện theo yêu cầu mà vẫn bê nguyên trình lên như cũ. Rõ ràng vấn đề ở đây nằm ngay ở khâu tổ chức thực hiện, năng lực quản lý đầu tư chưa chuyên nghiệp. Thiết nghĩ cần có chế tài kỷ luật nghiêm, thậm chí khi cần có thể ra quyết định cắt bỏ dự án khỏi danh mục đầu tư.

Như ông nói thì lỗi không nằm ở quy định của luật, mà nằm ở khâu tuân thủ quy định?

Đi sâu vào nghiên cứu, tôi và nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta cứ thấy khó khăn lại đổ lỗi tại luật, trong khi để tập trung làm theo luật thì lại không thực hiện nghiêm túc.

Luật đã ban hành là cả công trình của Chính phủ, Quốc hội lại dành thời gian hai, ba kỳ họp bàn bạc và thông qua. Vậy mà khi vừa ban hành, đùng một cái bảo làm không được, lại yêu cầu sửa luật. Hãy xem lại mục tiêu ban hành luật để làm gì? Càng quản lý chặt đầu tư công càng tốt chứ, bởi đây đều là những công trình thực hiện từ không chỉ tiền thuế của dân mà còn cả nguồn nhà nước đi vay. Do đó, nếu để thất thoát lãng phí thì hậu quả thật kinh khủng.

Thà làm ít nhưng công trình mang hiệu quả kinh tế xã hội còn hơn làm nhiều mà hiệu quả không đánh giá được, trong khi nguồn lực bị phân tán không đủ sức đầu tư vào những vấn đề quan trọng của đất nước.

Vậy thì với lần sửa đổi này, Luật Đầu tư công sẽ tập trung vào những nội dung gì?

Sửa đổi Luật Đầu tư công lần này, phần lớn nội dung Chính phủ trình ngay từ đầu tới kỳ họp này đều không nhận được sự đồng thuận trước hết từ cơ quan thẩm tra cho tới Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phải họp rất nhiều lần. Cả buổi đêm, rất nhiều thứ bảy, chủ nhật để xem xét, chỉnh lý. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo luật cũng còn quá nhiều vấn đề. Tôi nghĩ Quốc hội thảo luận xong có lẽ cũng cần dành thời gian để chỉnh lý như thế nào để kỳ này thông qua.

Việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB thành dự án độc lậpkhông cần thiết phải đưa vào luật (Trong ảnh: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng). Ảnh: Đỗ Phương

Có thể thấy, trong phiên thảo luận vừa qua, những nội dung quan trọng trong dự thảo được Chính phủ trình lên đã nhận được không ít ý kiến trái chiều. Theo ông, lý do vì sao?

Tất cả vấn đề thay đổi lớn đều được yêu cầu giữ nguyên như luật hiện hành. Cụ thể, về quy định kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu để giải quyết khó khăn khi chuyển tiếp kế hoạch đầu tư công trung hạn sang giai đoạn mới, các đại biểu đều cho rằng sẽ làm phức tạp, tăng thêm các trình tự, thủ tục không cần thiết, làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong tổ chức thực hiện, tạo thêm nhiều tầng nấc khi quyết định bố trí vốn cho dự án, không phù hợp với tinh thần cải cách.

Nếu quy định Kế hoạch đầu tư công 3 năm chỉ để tham khảo thì không có căn cứ để bố trí vốn cho năm đầu tiên của giai đoạn tiếp theo, không giải quyết được vấn đề phát sinh trong thực tiễn khi chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới. Do đó, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Thứ hai, việc tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cũng không cần thiết phải đưa vào luật. Thực tế luật hiện hành đâu có gì gây vướng? Nếu địa phương có nhu cầu giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch sau đó cho đấu thầu, đấu giá đất thì vẫn có thể quyết định chủ trương lập dự án riêng. Vấn đề thu hồi xong có thu hút được đầu tư hay lại để cỏ mọc mới là chuyện đáng bàn.

Đặc biệt, liên quan tới đề xuất, thay vì Quốc hội quyết định sẽ giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công cũng không nhận được nhiều tán thành từ phía đại biểu. Rõ ràng ở đây do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải vướng ở luật.

Thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn vẫn là Quốc hội và Chính phủ phải là người chuẩn bị và khâu chuẩn bị vẫn quan trọng. Mặt khác, lấy lý do giao Chính phủ quyết định danh mục dự án để thuận tiện cho quyết định điều chỉnh dự án, không phải chờ tới khi Quốc hội họp, cũng không thỏa đáng. Bởi lẽ, Quốc hội chỉ quyết định tổng vốn đầu tư, còn từng dự án lại phân theo thẩm quyền. Ai quyết định chủ trương đầu tư thì có quyền điều chỉnh chứ đâu phải tất cả dự án đều phải chờ Quốc hội điều chỉnh?

Ngoài ra, dự thảo cũng gây tranh cãi bởi quy định thay đổi thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C… Bên cạnh đó, cũng còn câu chuyện “con gà quả trứng”, vướng mắc giữa nguồn vốn và chủ trương đầu tư, không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau. Đây cũng chính là một trong những bế tắc đặt ra từ rất lâu nhưng chưa giải quyết được.

Vậy phải chăng dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đưa ra không được như mong muốn?

Có thể nói là vậy, song nhìn lại dự thảo lần này đã sửa đổi một số nội dung nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp và tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; sửa đổi quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Đổi mới trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm phù hợp với từng loại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công...

Cảm ơn ông!

Tăng quyền cho bộ ngành, địa phương

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, quy định các bộ, cơ quan Trung ương và HĐND tỉnh được quyền quyết định chủ trương chương trình, dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thuộc thẩm quyền quản lý thay vì quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như luật hiện hành.

Ngoài ra, dự thảo cũng bỏ quy định về thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn tại Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính để tháo gỡ bất cập và vướng mắc nhất hiện nay trong trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Đẩy mạnh phân cấp cho các bộ, cơ quan Trung ương giao cơ quan, đơn vị chuyên môn quản lý đầu tư công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thuộc cấp mình quản lý.

Ai quyết định danh mục dự án đầu tư công?

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Một trong những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau là thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đa số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch này, bao gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Về đề nghị cần nghiên cứu thay đổi thời gian trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, do đây là nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án.

Phương án 1: Quốc hội khóa mới xem xét, quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn tại kỳ họp đầu của nhiệm kỳ Quốc hội mới.

Phương án 2: Giữ như quy định của Luật hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, theo đó, Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước.

Thanh Bình

Tuyết Trịnh (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dung-thay-vuong-do-yeu-kem-lai-doi-sua-luat-d422625.html