Đừng 'tham vọng' khi bất cập chưa được giải quyết

Tuy sụt giảm vào năm ngoái, ngành tôm vẫn đặt mục tiêu đầy 'tham vọng' với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 4,1 - 4,2 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng, ý kiến của những người trong cuộc cho rằng, trước khi nhắm đến những con số hãy giải quyết những vấn đề còn tồn tại của ngành.

 Cần giải quyết những tồn tại của ngành tôm trước khi nói đến những con số mục tiêu xuất khẩu. Trong ảnh là mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một doanh nghiệp ở Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh

Cần giải quyết những tồn tại của ngành tôm trước khi nói đến những con số mục tiêu xuất khẩu. Trong ảnh là mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại một doanh nghiệp ở Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh

Yếu nhưng vẫn “tham vọng”

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2019 là 4,1 tỉ đô la Mỹ, tăng nửa tỉ đô la so với năm 2018.

Theo ông Cẩn, ngành tôm năm 2018 chưa phát huy hết tiềm lực và thế mạnh so với các nhóm sản phẩm chính của ngành nông nghiệp. Đồng thời, ngành tôm cũng chưa tạo được thế cạnh tranh so với các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia. Điều này dẫn đến kim ngạch xuất khẩu tôm năm ngoái chỉ đạt 3,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 7,8% so với năm 2017.

Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm trong hai tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 390 triệu đô la Mỹ, giảm gần 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết đơn vị này đưa ra mục tiêu xuất khẩu tôm còn cao hơn, lên đến 4,2 tỉ đô la Mỹ.

Cơ sở để đặt kỳ vọng như như trên, theo ông Hòe, ngành tôm Việt Nam năm 2018 xuất khẩu giảm là do giá giảm, cho nên, chưa phát huy hết thế mạnh khâu sản xuất tôm. “Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến việc cạnh tranh với các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan kém dẫn đến xuất khẩu tôm năm 2018 không đạt như kỳ vọng”, ông cho biết và nói rằng năm nay khả năng ngành tôm sẽ đạt mức tăng trưởng 12%, nhưng với điều kiện giá cả thị trường cải thiện và tăng được khả năng cạnh tranh của ngành.

Giải quyết vấn đề của ngành mới quan trọng

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp, trước khi nhắm đến những con số về kim ngạch xuất khẩu, cần giải quyết những vấn đề đang còn tồn tại của ngành.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), nói: “Chúng ta không thể không tán thành là ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, vươn lên tầm cao của thế giới”.

Nhưng, theo ông Lực, sự chuyển động của các cường quốc nuôi tôm, những thị trường nhập khẩu trong thời gian qua không phải nhỏ và đang trở thành những thách thức của ngành tôm Việt Nam. “Tôi xin phân tích những thách thức để từ đó chúng ta thấy rằng cần phải ứng xử thế nào để có thể hạn chế khó khăn và đồng thời phát huy được những thế mạnh”, ông Lực nói.

Thách thức đầu tiên là các cường quốc nuôi tôm trên thế giới đều đề ra chương trình phát triển nuôi để tăng sản lượng và đa phần đều thành công, đưa sản lượng tôm toàn thế giới lúc nào cũng cao hơn nhu cầu.

Thứ hai, giá thành nuôi tôm của Việt Nam là cao hàng đầu thế giới.

Thứ ba, xu thế người tiêu dùng thế giới và cả trong nước là sử dụng thực phẩm sạch, nên buộc phải có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu. “Đối với con tôm, muốn vào được hệ thống khách hàng cao cấp, thì phải có thêm các chứng nhận quốc tế, mà cụ thể là tiêu chuẩn ASC và BAP”, ông cho biết.

Thứ tư, hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên ngày càng phức tạp. Cụ thể, trước đây chỉ kiểm hàng ở cảng thì bây giờ chuyển sang kiểm cả trên các kệ hàng; trước đây chỉ kiểm một số chỉ tiêu hóa chất kháng sinh thì bây giờ kiểm luôn bệnh tôm...

Thứ năm, với sự phát triển mạnh mẽ, “tinh vi” của các phương tiện truyền thông, chỉ cần một lô hàng của doanh nghiệp bị sự cố ở một thị trường nào đó thì những thị trường còn lại mà doanh nghiệp có tham gia bán hàng đều biết hết, khó khăn chồng chất liền.

Từ những thách thức nêu trên, theo ông Lực, ngành tôm phải có giải pháp ứng phó. Trước tiên là phải quản lý vấn đề chế phẩm trong nuôi tôm, nhất là việc lạm dụng kháng sinh trong các thức ăn nuôi tôm. Tiếp theo là phải tăng cường hợp tác để tạo ra những trang trại nuôi lớn theo chuẩn quốc tế nhằm kiểm soát tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá thành cũng là điều cần giải quyết, vì hiện nay giá tôm Việt Nam đã cao hơn so với Ấn Độ từ 10.000-30.000 đồng/ki lô gam.

Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng muốn gia tăng xuất khẩu tôm thì phải giải quyết được điểm nghẽn về sản xuất, tức phải từ bỏ công nghệ nuôi cũ để chuyển sang nuôi công nghệ cao, nuôi tôm sạch.

Nhưng, theo ông Quang, từ năm 2011 đến nay, do dịch bệnh EMS (hội chứng hoại tử gan tụy cấp) làm người nuôi tôm công nghiệp mất hết vốn, nợ ngân hàng rất lớn nên không có vốn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. “Đây là điểm nghẽn mà Chính phủ và các bộ cần làm việc với ngân hàng nhằm có chính sách hỗ trợ vốn cho người nuôi tôm vay để chuyển đổi mô hình”, ông nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa của ngành tôm cần giải quyết, đó là những chính sách lao động chưa hợp lý, tạo rào cản cho doanh nghiệp tuyển dụng nhân công. “Các nước trong khu vực, tổng đóng bảo hiểm chỉ dưới 12%, trong khi ở Việt Nam, tổng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp là trên 34,5%, cho nên, khó khăn đổ vào doanh nghiệp hết”, ông Quang cho biết.

Rõ ràng, trước khi nghĩ đến những con số về kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm, thì cần phải tháo gỡ, giải quyết được những tồn tại của ngành này. Bởi, đây mới là cơ sở để giúp ngành tôm Việt Nam chinh phục thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286659/dung-tham-vong-khi-bat-cap-chua-duoc-giai-quyet-.html