Dùng 'tên lửa mô hình' để diễu hành, Nga dọa Mỹ 'khiếp vía'

Nga từng mang những mô hình tên lửa đến các cuộc diễu hành quân sự để phô diễn sức mạnh, khiến Mỹ tin rằng đối thủ thực sự có những công nghệ vượt trội.

Thời kỳ căng thẳng với phương Tây, Liên Xô đã trình diễn nhiều loại vũ khí giả để hù dọa đối thủ.

Thời kỳ căng thẳng với phương Tây, Liên Xô đã trình diễn nhiều loại vũ khí giả để hù dọa đối thủ.

Quảng trường Đỏ năm 1965, các tên lửa khổng lồ với đầu đạn hạt nhân từ từ đi qua các khán đài chật kín khán giả với sự góp mặt của cả các đại sứ nước ngoài. Chỉ riêng kích thước của những tên lửa này cũng đủ khiến người Xô Viết phải trầm trồ, chưa nói đến việc những vị khách nước ngoài tham dự còn cảm thấy choáng ngợp đến mức nào.

“Cuộc duyệt binh phô diễn sức mạnh quân sự mạng mẽ được kết thúc bằng các tên lửa phòng thủ khổng lồ. Không có giới hạn nào đối với những gì những tên lửa này có thể làm…”, các bình luận viên trên đài phát thanh của Liên Xô đọc một bài phát biểu được chuẩn bị trước.

Với màn trình diễn nói trên, đây chắc chắn là một thắng lợi khác đối với công nghệ quân sự của Liên Xô. Các loại vũ khí khổng lồ với ống phóng lớn, mang tên lửa đạn đạo có thể vươn tới bất cứ đâu. Ngay khi công nghệ này được trình diễn ở Quảng trường Đỏ, nó cũng đã xuất hiện trên các kênh quốc tế với tiêu đề "vũ khí răn đe hạt nhân từ không gian".

Nhưng ở thời điểm đó, ít người biết rằng không có loại vũ khí nào là đồ thật được trưng bày. Theo RBTH, tất cả chỉ là đồ giả.

Vì sao lại là đồ giả?

Câu hỏi đó đã được trả lời bởi Chủ tịch KGB Vladimir Semichastny sau khi Liên Xô tan rã. “Tên lửa đã khơi dậy mối quan tâm lớn trong những năm 1960. Mỗi lần có loại tên lửa nào được đề cập, chúng đều khiến mọi người dán mắt, nín thở”, Semichastny viết trong cuốn hồi ký “Các Cơ quan Đặc biệt của Liên Xô trong Chiến tranh Bí mật”.

“Thường xuyên, khoảng một, hai lần hoặc ba lần một năm, chúng tôi chính thức tuyên bố đã làm chủ một số công nghệ tên lửa mới. Sau những thông báo đó, chúng tôi sẽ giới thiệu chúng trên Quảng trường Đỏ trong các cuộc diễu hành. Chỉ có một số rất nhỏ người dân nhận thức được rằng một số tên lửa mới này chỉ là hàng giả và chúng hoàn toàn không có khả năng bay. Các mô hình được kéo bởi máy kéo không phải là tên lửa - chúng chỉ là bản sao”, ông thừa nhận.

Về lý do tại màn trình diễn như vậy lại cần thiết, Semichastny giải thích rằng các cơ quan đặc nhiệm của phương Tây không thể dễ dàng đánh giá được tiềm năng của quân đội Liên Xô vào thời đó, vì đây là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ.

Tất cả những “món đồ chơi” mạnh nhất của Liên Xô đều được cất giữ trong nhà chứa dưới lòng đất và không một vệ tinh do thám nào có thể săm soi. Không ai biết thứ ở đó là gì hay số lượng là bao nhiêu. Cách duy nhất để biết được là theo dõi các cuộc diễu hành quân sự ngày 1/5, sau đó là Ngày Đoàn kết Công nhân vào ngày 7/11, Ngày Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, khi quảng trường chính của đất nước sẽ tụ họp những gì tốt nhất mà tổ hợp công nghiệp-quân sự Liên Xô cung cấp.

Sử dụng mô hình giả để qua mắt kẻ thù là cách tốt để thực hiện khi biết rằng đối thủ không thể xác minh được điều gì đang thực sự diễn ra.

“Cú lừa” thành công

Vũ khí giả của Liên Xô đã phát huy được những tác dụng nhất định.

Mọi thứ đều được lên kịch bản đến từng chi tiết nhỏ nhất. Bản thân chiến dịch do nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev đứng đầu. Nổi bật nhất là bài phát biểu rực lửa của ông vào năm 1962, tại Cung điện Kremlin, nơi ông công bố "tên lửa toàn cầu" GR-1.

Khái niệm về tên lửa toàn cầu thực chất lấy ý tưởng từ Mỹ - phiên bản chưa bao giờ thành hiện thực - do không thực sự cần thiết, bởi khoảng cách địa lý gần gũi của các nước NATO với Liên Xô, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm ngắn đã đủ để hoạt động tốt.

Tuy nhiên, Liên Xô không có lợi thế ở khía cạnh này và quyết định bắt tay vào phát triển vũ khí của riêng mình. Ý tưởng là đưa một đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo với khả năng tấn công mục tiêu theo ý muốn. Tên lửa có khả năng tiếp cận bất kỳ mục tiêu nào trên Trái đất, bất kể bao xa.

“Sở hữu một tên lửa toàn cầu khiến mọi biện pháp răn đe khác trở nên lỗi thời. Các tên lửa toàn cầu không thể phát hiện kịp thời để thực hiện bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào”, ông Khruschev mổ tả về GR-1, như thể vũ khí đó đã hoàn thiện.

Trên thực tế, tại thời điểm phát biểu, cục phát triển thậm chí còn chưa chuẩn bị một đề xuất nghiên cứu. Nói một cách đơn giản hơn thì để nói về khả năng làm được hay không làm được một tên lửa như vậy vẫn còn quá sớm.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn được bài phát biểu có tác dụng cần thiết, khi tình báo nước ngoài bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm thông tin về GR-1, đặt cho nó tên mã là “SS-X-10 Scrag”. Khi nguyên mẫu hoạt động được tung ra ở Quảng trường Đỏ vào năm 1965, trong tâm trí người Mỹ không còn nghi ngờ gì nữa: Liên Xô đã làm được điều đó!

Kịch hay luôn có nhiều màn. Sau cuộc diễu hành, vũ khí giả thậm chí còn được đưa đến một trong những ga xe lửa của Moscow và cố tình để cho các nhân viên đại sứ quán nước ngoài theo dõi. Điều này sẽ giúp họ xem vũ khí mới sẽ đi theo hướng nào, từ đó có thể suy đoán vũ khí được cất giấu ở khu vực nào của đất nước.

“Nghe các cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa các tùy viên quân sự, chúng tôi có thể xác định kế hoạch của mình đã thành công như thế nào”, Semichastny viết.

Dự án phát triển tên lửa GR-1 sau đó có sự chậm trễ trong quá trình sản xuất động cơ và mắc phải nhiều lỗi. Nhưng tất cả điều đó không quan trọng. “Cú lừa” đã thành công với việc Wasington đồng ý ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Công việc của GR-1 đã hoàn thành và dự án kết thúc.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dung-ten-lua-mo-hinh-de-dieu-hanh-nga-tung-doa-my-khiep-via-a500491.html