'Đừng tạo lát cắt sâu giữa người nghèo và cận nghèo'

Theo dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến ngày 1.6, có 7 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Đó là người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Và nhóm người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ...

“Quy định chưa đầy đủ”

Phát biểu góp ý, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ quan điểm tán thành với các đối tượng trợ giúp pháp lý được quy định tại dự thảo luật. "Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng việc bổ sung người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo vào đối tượng trợ giúp pháp lý nhưng lại không trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo là người bị hại trong vụ án hình sự là chưa đầy đủ" - ông Tám nói.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: Đàm Duy

Đại biểu Tám đề nghị nên xem xét bổ sung đối tượng người bị hại trong vụ án hình sự thuộc hộ cận nghèo vào đối tượng trợ giúp pháp lý khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý để đảm bảo đầy đủ hơn.

Nhìn nhận về quy định này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, ông cảm nhận quy định như vậy đang tạo ra một lát cắt rất sâu khó lành để phân biệt sự thụ hưởng giữa các đối tượng. Cụ thể là người hộ nghèo thì được trợ giúp pháp lý trên mọi lĩnh vực, trong khi người thuộc hộ cận nghèo thì chỉ được trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự khi họ là bị can, bị cáo chứ không được hưởng trợ giúp pháp lý khi họ là nạn nhân của tội phạm.

Không phù hợp tình hình thực tiễn

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa ) đánh giá quy định như Điều 7 của dự thảo, diện người được trợ giúp pháp lý sẽ bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật chuyên ngành. Cụ thể, điểm b, d, e khoản 7 quy định: “Người khuyết tật”, “Nạn nhân trong vụ việc mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người”, “Nạn nhân trong vụ bạo lực gia đình”, nhưng phải có khó khăn về tài chính là không khả thi. Cần có tiêu chí hoặc nguyên tắc quy định thế nào là khó khăn về tài chính, Chính phủ mới hướng dẫn được - bà Thủy nêu.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là quy định quá hẹp và không phù hợp tình hình thực tiễn. Ông dẫn chứng tại địa bàn Tây Nguyên thời gian qua các cơ quan chức năng địa phương báo cáo liên tục cho Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc là có khoảng 7.000 - 8.000 người di dân tự do. “Đối tượng này đến địa phương cư trú để làm ăn, chứ không phải thường trú, họ không có hộ khẩu và họ chưa có xác lập quyền sử dụng đất để sinh sống. Xác định việc cư trú, thường trú của họ là rất khó. Cho nên tôi thiết nghĩ, với điều kiện kinh tế của phần lớn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số này rất khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, do đó họ rất khó có cơ hội được tiếp cận với công lý và bình đẳng trước pháp luật. Chúng tôi đề nghị điều luật nên quy định chuyển từ "thường trú" sang từ "cư trú" cho phù hợp với tình hình thực tế” - đại biểu Nguyễn Tạo nói.

“Về mặt đạo lý, những người vô gia cư khi họ cần đến sự trợ giúp pháp lý thì chúng ta sẽ có những điều khoản, những chính sách phù hợp để giúp đỡ họ. Vì vậy, đối với những người đồng bào dân tộc thiểu số dù là thường trú hay tạm trú, đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn thì đều cần thiết được trợ giúp" - đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) nhấn mạnh.

Ngọc Lương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dung-tao-lat-cat-sau-giua-nguoi-ngheo-va-can-ngheo-775491.html