Đừng tạo áp lực cho trẻ!

Hiện tại, nhiều em học sinh đã hoàn thành việc kiểm tra cuối năm học 2018-2019. Theo đó, có không ít phụ huynh đang nhôn nhao về điểm kiểm tra cuối năm của con em mình. Điều này ít nhiều đã tạo ra áp lực không đáng có cho trẻ.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Mấy ngày qua, đi đến đâu cũng nghe phụ huynh bàn tán về điểm kiểm tra cuối năm của trẻ. Những phụ huynh có con em làm bài kiểm tra cuối năm đạt được điểm cao thì họ tỏ ra vui vẻ và luôn khoe với mọi người về thành tích học tập của con em mình. Ngược lại, đối với những phụ huynh có con em làm bài kiểm tra điểm thấp, không được khen thưởng, thì lại mang trẻ ra để so sánh với những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi mà học hỏi hơn. Từ thực tế cho thấy, có một số phụ huynh còn bắt phạt trẻ, rồi hăm he, mắng mỏ, thậm chí có người còn ra tay đánh trẻ. Với lý do là hàng ngày không chịu cố gắng học nên cuối năm làm bài kiểm tra không được mới bị điểm thấp.

Điển hình như gia đình của một chị bạn ở xóm tôi chẳng hạn. Vợ chồng chị có đứa con trai đang học lớp 4. Ngoài giờ học ở trường, chị còn đăng ký cho con trai học thêm ở trung tâm gần một năm nay. Mới đây, nhà trường gửi bài kiểm tra của học sinh về cho gia đình xem. Khi nhìn vào các bài kiểm tra của con trai, chị phát hiện không có bài nào đạt được điểm cao (9, 10 điểm). Không những thế, môn tiếng Anh là môn thằng bé được gia đình cho đi học thêm ở trung tâm. Vậy mà thằng bé làm bài kiểm tra cuối năm chỉ đạt có 7 điểm. Vừa xem xong các bài kiểm tra của con trai, chị ta liền nổi cáo. Sau đó, chị phạt con trai quỳ gối cho thỏa cơn tức giận và thông báo là kỳ nghỉ hè năm nay sẽ không cho đi du lịch, không cho về quê chơi gì hết…

Thực tế cho thấy, mỗi đứa trẻ đều có sự nhận thức ở từng mức độ khác nhau. Đối với một đứa trẻ vốn dĩ đã kém thông minh, học trước quên sau, mà đồi hỏi trẻ phải học giỏi theo ước muốn của phụ huynh thì thử hỏi làm sao các em có đủ khả năng để thực hiện. Một khi trẻ không thực hiện được thì phụ huynh lại bắt phạt.

Thiết nghĩ, trong quá trình học tập của trẻ ở trường thì những điểm số hay giấy khen của nhà trường chỉ là hình thức. Điều quan trọng là kiến thức của trẻ. Sau thời gian học các em đã tiếp thu, học hỏi và tích lũy được những gì. Thay vì so sánh việc học của con em mình với những đứa trẻ khác, thì phụ huynh nên dành thời gian dạy cho các em hiểu mục đích của việc học. Chúng ta học để trao dồi kỹ năng, nâng cao kiến thức và chở thành người hữu ích cho xã hội sau này, chứ không phải học vì điểm số, học để nhận thưởng. Điều đó sẽ tạo cho trẻ có tâm lý thoải mái hơn, không có cảm giác áp lực khi học.

Nguyễn Văn Dô (Trường Tiểu học Tân Hạnh B, Tân Hạnh, Long Hồ, Vĩnh Long)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/dung-tao-ap-luc-cho-tre-4003629-c.html