Đừng tăng tuổi hưu với công nhân

Việt Nam đang trên đà phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp thu hút rất nhiều thành phần lao động. Trong đó, có phần lớn công nhân, người đi làm để kiếm ít vốn rồi về quê sinh sống, người đi làm với mong muốn thoát nghèo, lập nghiệp nơi đô thị. Tất cả đều có một điểm chung, ra đi mang theo hy vọng 'đổi đời'.

Công nhân trên công trường. Ảnh: Thành Hoa

Trực tiếp làm ra sản phẩm, năng suất lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giới công nhân luôn được nhắc đến hàng đầu nhưng vị trí trong đời sống và hưởng lợi từ thành quả lao động thì còn rất khiêm tốn. Tôi muốn nhắc đến giới công nhân nhập cư theo dòng chảy việc làm không qua chuyên môn trường lớp, chưa được đào tạo bài bản về tay nghề.

Ở khía cạnh khác, những công nhân này trở thành người nghèo nơi đô thị, nghèo vốn sống, nghèo trình độ đào tạo để đi làm, thiếu khả năng ứng phó với tình huống rủi ro trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người.

Bên cạnh số ít doanh nghiệp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, còn nhiều nơi mà công nhân phải chạy ăn từng bữa với thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình hàng tháng nào là chi phí ăn uống, đi lại, ở trọ cùng tiền điện nước... Với công nhân có con nhỏ lại càng tốn kém hơn với các khoản tiền phát sinh như thuốc men, chăm sóc, nuôi dưỡng, gửi trẻ.

Hiện còn nhiều công nhân cam chịu khi gặp rắc rối, bất công trong đối xử và làm việc. Lý giải với công nhân là lao động yếu thế, “thấp cổ bé họng”, ở địa vị thấp nên ngần ngại hoặc không dám lên tiếng bày tỏ ý kiến bản thân khi phải đối mặt với uy quyền là người quản lý, điều hành. Thực tế cho thấy không ít công nhân lên tiếng phản ứng trước những bất công đã bị sa thải, trong khi tổ chức công đoàn nơi làm việc lại không đủ khả năng bảo vệ công nhân, lao động yếu thế.

Tiêu chuẩn nhiều doanh nghiệp đặt ra để chọn công nhân vào làm việc không quá khó khăn, chỉ cần có sức khỏe.

Là kỹ sư cầu đường làm việc trên công trường nên tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều công nhân, cảm nhận được những ưu tư về sự bấp bênh của công việc trong từng lời nói. Có lần một nam công nhân đang khoan bêtông, mũi khoản được rút lên rồi cắm xuống liên tục cho đến khi mảng bêtông nức ra và rời rạc, sau đó nghỉ ngơi và trò chuyện với tôi, rằng “Làm công nhân cầu đường, nghề này không cần bằng cấp, chỉ cần sức khỏe. Làm đến 57 tuổi, sức khỏe khó mà đáp ứng yêu cầu công việc, phải xin làm việc khác hoặc nghỉ việc thôi”.

Ở công trường xây dựng, còn có nữ công nhân làm những công việc lẽ ra dành cho nam giới như phụ hồ hay khiêng vác vật liệu ximăng, gạch, đá, sắt, thép… Qua tìm hiểu tôi được biết phần lớn các nữ công nhân gắn bó với nghề tối đa đến 52 tuổi, bởi sức khỏe không cho phép. Với đề xuất tăng tuổi hưu mới đây, e rằng những làm việc vất vả và nặng nhọc như công nhân cầu đường sẽ khó mà đáp ứng.

Tăng tuổi nghỉ hưu, hẳn sẽ ảnh hưởng đến những lao động làm việc trực tiếp như công nhân sẽ tranh thủ nhận một lần bảo hiểm xã hội, chứ không chờ đợi kéo dài cho đến lúc nghỉ hưu. Bởi sức khỏe công nhân lúc này không đáp ứng yêu cầu công việc, không loạt trừ những doanh nghiệp sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, sa thải người lao động lớn tuổi để tuyển dụng người mới trẻ hơn và khỏe hơn, đây là một thực tế phổ biến hiện nay ở nhiều doanh nghiệp.

Với những công nhân làm việc vất vả và nặng nhọc khi bước qua 50 tuổi đã yếu đi nhiều, năng xuất lao động cũng giảm thấp, chưa kể bị những bệnh nghề nghiệp và áp lực công việc mang lại, trong khi những công việc đang làm chủ yếu chỉ dựa vào sức khỏe. Nên chăng có thể quy định tuổi nghỉ hưu vẹn cả đôi đường, linh hoạt theo tính chất công việc. Với công việc nặng nhọc có thể nghỉ hưu theo nguyện vọng, nữ công nhân từ 50 - 55 tuổi, nam công nhân từ 55 - 60 tuổi.

Đóng bảo hiểm xã hội lẽ dĩ nhiên theo quy luật đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Song, với những công việc vất vả và nặng nhọc, Nhà nước cũng nên xem xét có thể linh động tùy đối tượng và hoàn cảnh mà rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu xuống còn 17 năm, 15 năm, thậm chí là 10 năm. Tất nhiên là có quỹ hỗ trợ bù đắp thêm, sao cho lương hưu đủ trang trải cuộc sống tối thiểu, chi tiêu lúc tuổi già. Được vậy sẽ có nhiều công nhân và người lao động phổ thông hướng đến lương hưu, hạn chế nhận một lần bảo hiểm xã hội như hiện nay.

Cần lắm một hệ thống an sinh xã hội, những chính sách cốt lõi để công nhân nghèo không bị gạt ra bên lề sự phát triển. Đây không chỉ đơn giản phát triển kinh tế mà còn là tôn chỉ mục đích của chính quyền luôn đứng về phía công dân, bảo vệ các thành phần lao động yếu thế thị dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập theo trào lưu thế giới, hiện đại hóa và phát triển đất nước.

Đó có thể là những nhu cầu với mức sống tối thiểu cho công nhân, bên cạnh các chủ trương và chính sách tăng lương nhỏ giọt, cần có những chương trình được duy trì lâu dài để hỗ trợ kịp thời các trường hợp cấp thiết. Tiến tới lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp với mạng lưới rộng khắp đến từng doanh nghiệp, cơ sở hộ cá thể có sử dụng lao động là công nhân để kịp hỗ trợ những hoàn cảnh cấp thiết, khi thất nghiệp không đủ khả năng trang trải cuộc sống, trong khi chờ chuyển đổi việc làm.

Bên cạnh đó, tạo không gian công cộng là nơi chốn để công nhân sinh hoạt, gặp gỡ và trao đổi những câu chuyện trong cuộc sống hoặc những thắc mắc của mình về vấn nạn nào đó để được quan tâm, giải thích, chia sẻ, góp ý, đối thoại, giúp đỡ, bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp.

(*)Kỹ sư cầu đường

Trần Văn Tường(*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273999/dung-tang-tuoi-huu-voi-cong-nhan.html