Đúng sự thật, rõ thực tiễn

LTS: Đúng ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng (4-5-2022), Báo Quân đội nhân dân khởi đăng liên tục 5 bài viết trong loạt bài 'Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-thực tiễn sinh động của Yên Bái'. Loạt bài đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, đón nhận nhiều phản hồi tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng. Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến tâm huyết, tiêu biểu.

PGS, TS NGUYỄN VIẾT THÔNG, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương:

Khẳng định trách nhiệm chính trị của tờ báo Đảng

Tôi đánh giá cao việc Báo Quân đội nhân dân đăng loạt 5 bài với tiêu đề “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái”. Càng ấn tượng vì vệt bài đăng đúng ngày Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng khai mạc (4-5-2022); đồng thời tập trung bàn nhiều về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Điều đó cho thấy tính chủ động, “đi trước đón đầu” và khẳng định trách nhiệm chính trị rất cao của "tờ báo chiến sĩ". Và như tôi theo dõi, đọc các báo thì có lẽ Báo Quân đội nhân dân là tờ báo đầu tiên đăng một vệt bài có chất lượng tốt, thể hiện sự làm việc nghiêm túc, công phu về vấn đề này.

Đồng chí Triệu Văn Lý và cán bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) thăm Trường Mẫu giáo thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn. Ảnh: VIỆT HÀ

Đồng chí Triệu Văn Lý và cán bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) thăm Trường Mẫu giáo thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn. Ảnh: VIỆT HÀ

Nghiên cứu loạt bài thấy rằng, nội dung các bài viết phản ánh trung thực, sinh động nhiều nội dung cụ thể trong tính hệ thống; bám sát tinh thần Hội nghị Trung ương 5 và thể hiện rõ sự linh hoạt, sáng tạo trong văn phạm; kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong việc phản ánh kết quả, kinh nghiệm tiến hành xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Đặc biệt, loạt bài đã “khéo” dùng thực tiễn để thẩm định, kiểm nghiệm các vấn đề lý luận mà Trung ương nêu ra về xây dựng tổ chức cơ sở đảng nói riêng, xây dựng Đảng nói chung tại hội nghị vừa qua.

Loạt bài đã kết hợp giữa lý luận và thực tiễn một cách hài hòa, giúp bạn đọc rất dễ hiểu, dễ thuyết phục. Ví dụ, bài 1 có tiêu đề “Mạnh từ mỗi tế bào của Đảng”. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nói về vấn đề này. Từ khi thành lập Đảng và đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về tổ chức cơ sở đảng, khi đưa ra những luận điểm như: Đảng viên mạnh thì chi bộ mạnh, chi bộ mạnh thì đảng bộ mạnh, mà các đảng bộ mạnh thì toàn Đảng ta mạnh...

Qua loạt bài, một lần nữa cho thấy, thực tiễn đã kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của lý luận; góp phần làm sáng rõ hơn về hai luận điểm “chi bộ tốt là do đảng viên tốt” và “chi bộ tốt thì đảng bộ mạnh”. Đó thực sự là một bước cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như quan điểm của Đảng ta về vấn đề này.

Trong bài 3 của vệt bài, tôi rất thích khái niệm “về với dân, chăm lo cơ sở”. Lâu nay chúng ta nói gần dân, nhưng nói “về với dân” thì nó trở nên gần gũi hơn bởi Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Chúng ta dù là cán bộ cấp nào nhưng nói “về với dân” cho thấy sự thân thiết, tình cảm gắn bó giữa Đảng với dân. "Về với dân" khác hoàn toàn với "xuống với dân". Bởi lẽ, “về” có nghĩa là người thân, ruột thịt đến với nhau, gặp gỡ nhau; còn "xuống" là trên xuống dưới, "bề trên" xuống với tôi tớ... Đó là cái tứ rất hay của loạt bài viết.

Như vậy, việc các tác giả dùng mệnh đề “về với dân” thì quả là một sự sáng tạo, trên cơ sở đúc rút từ thực tiễn ở Yên Bái. Tuy nhiên, nếu như loạt bài đề cập sâu thêm tư tưởng “về với dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì vấn đề này sẽ được thể hiện rõ nét hơn.

Bởi lẽ trong 10 năm cuối đời, Bác của chúng ta đã về gặp gỡ, thăm hỏi nông dân, nông thôn 700 lần, và cách làm của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ Yên Bái khi thực hiện “về với dân” cũng chính là thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ là phải gần dân, sát dân, trọng dân. Có nghĩa, cán bộ phải phục vụ nhân dân, là công bộc của dân, chứ cán bộ đừng "vác mặt làm quan cách mạng"... trước nhân dân!

----------------------

PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Xây dựng Đảng ở cơ sở - nhiệm vụ then chốt và cần kíp

Trải qua hơn 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng, coi đó là gốc rễ, nền móng trong công tác xây dựng Đảng. Vấn đề này được Báo Quân đội nhân dân một lần nữa khẳng định thông qua loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái”.

V.I.Lênin từng chỉ rõ: Tổ chức cơ sở đảng là “điểm tựa”, là hạt nhân, là nơi gần gũi quần chúng nhất, nơi liên hệ chặt chẽ với quần chúng; nơi tuyên truyền, giáo dục, dẫn dắt quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của tổ chức cơ sở đảng.

Người khẳng định: Chi bộ là gốc rễ của Đảng; là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng; là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Người còn nhấn mạnh: “Muốn làm nhà cho tốt phải xây dựng nền cho vững. Muốn thực hiện kế hoạch tốt phải chăm lo củng cố chi bộ”.

Kế tục những luận điểm đó, Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng. Điều lệ Đảng do Đại hội VII (năm 1991) thông qua, khẳng định: “Các chi bộ cơ sở và đảng bộ cơ sở (gọi chung là tổ chức cơ sở đảng) lập thành nền tảng của Đảng”.

Đến Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) có sự bổ sung, phát triển, xác định: Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Điều 21, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội XI của Đảng thông qua (năm 2011), ghi rõ: "Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở".

Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên...

Như vậy, Đảng ta luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng; đề ra nhiều chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó Đảng bộ tỉnh Yên Bái là một điển hình. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo; ban hành và hiện thực hóa nghị quyết lãnh đạo các cấp; quyết liệt tinh gọn bộ máy, “tái cấu trúc” đối với từng tổ chức cơ sở đảng.

Kết quả của Đảng bộ tỉnh Yên Bái cùng với các đảng bộ khác trong toàn Đảng là cơ sở thực tiễn quan trọng để Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII xem xét, quyết nghị “Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên”. Bàn về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đề án đã chỉ ra những kết quả chủ yếu đạt được; những hạn chế, yếu kém tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân.

Từ đó đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục đổi mới, tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới. Tin tưởng rằng, sau Hội nghị Trung ương 5, các cấp sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

-------------------------

Đồng chí TRẦN MỘNG ĐIỆP, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa:

Đảng luôn mẫu mực chăm lo cho dân

Đọc loạt 5 bài viết “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” trên Báo Quân đội nhân dân từ ngày 4 đến 8-5, tôi thấy những điều này không chỉ đúng với Yên Bái mà sát với thực tế diễn ra ở không ít địa phương hiện nay. Những cách làm cụ thể, sáng tạo ở Yên Bái cho thấy việc triển khai, thực hiện nghị quyết từ trên xuống cơ sở không phải xa vời, khó khăn mà chính là phải linh hoạt, bám sát mong muốn, suy nghĩ của người dân để giải quyết. Cần hiểu người dân cần gì, thiếu gì để có hướng xử lý trên cơ sở lấy lợi ích chung của cộng đồng và hài hòa lợi ích riêng của từng gia đình, cá nhân.

Tôi rất tâm đắc với việc lãnh đạo cấp trên tham gia sinh hoạt ở cơ sở, về với dân, qua đó phát hiện nhiều vấn đề thực tiễn nảy sinh; kịp thời đóng góp công sức, trí tuệ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ; thổi bùng những luồng tư duy mới, định hình cách làm mới, từng bước đưa các thôn, bản đổi thay, phát triển bền vững. Việc này đã được nhiều địa phương thực hiện, song cũng cần nhân rộng để triển khai trong toàn hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ sự quan tâm, chăm lo cho dân của Đảng không chỉ thể hiện bằng những việc làm cụ thể mà rộng lớn hơn là phải đề ra được chủ trương, chính sách, trên cơ sở đó triển khai thực hiện lâu dài, tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ nét. Đơn cử như với Khánh Hòa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề cập đến nhiều vấn đề lớn. Trong đó, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của nhân dân Khánh Hòa.

-------------------------

Đồng chí LƯU THỊ THU HƯƠNG, Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh:

“Nguồn tư liệu quý” cần phổ biến, nhân rộng

Là một độc giả của Báo Quân đội nhân dân, tôi thật sự ấn tượng về loạt 5 bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” được đăng tải mới đây. Loạt bài đã phác họa bức tranh thực tiễn sinh động, đa chiều trên cơ sở phân tích, đánh giá cẩn trọng, có chiều sâu, sát thực tế, đúng bản chất về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Đặc biệt, loạt bài đăng tải đúng dịp diễn ra Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng nên có sức lan tỏa sâu rộng, nhanh chóng; góp tiếng nói vừa có tính lý luận sâu sắc, vừa có tính thực tiễn sinh động để bổ trợ, cung cấp thêm cứ liệu cho quần chúng nhân dân thêm tin tưởng vào những quyết nghị của Hội nghị Trung ương 5.

5 bài viết sắc sảo, với nhiều chi tiết báo chí hấp dẫn đã giúp bạn đọc thêm tin tưởng vào tính sát thực, đúng đắn của thông tin. Điều đó cũng cho thấy thái độ nghiêm túc, lao động sáng tạo của nhóm tác giả khi dành nhiều thời gian nghiên cứu về các chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác xây dựng Đảng ở cơ sở trước khi thực hiện loạt bài.

Cùng với đó, nhóm tác giả đã sâu sát cơ sở, về tận thôn, bản, đến với từng đảng viên, gặp gỡ nhiều người dân để khắc họa, đúc rút nên 10 vấn đề lớn trong 5 bài viết; phản ánh toàn diện kết quả, kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng tháo gỡ đối với công tác xây dựng Đảng mà các địa phương cần tiếp cận, học tập, nhân rộng.

Loạt bài cũng có tác dụng “cảnh tỉnh” một số cán bộ khi có tư duy xem nhẹ cơ sở, chưa sâu sát với quần chúng; chưa chuyên tâm chăm lo “việc gốc” của Đảng ngay từ mỗi “tế bào của Đảng”. Đồng thời, những bài học về việc “trọng cơ sở”, dồn sức lãnh đạo và ưu tiên các nguồn lực giúp tổ chức cơ sở đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở Yên Bái sẽ có tác dụng định hình bước đi, cách làm đúng, hiệu quả cho nhiều địa phương.

Tôi mong muốn, những dữ liệu lý luận và thực tiễn mà loạt bài đưa ra sẽ là cứ liệu quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp nghiên cứu, ban hành nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, rào cản, giúp đồng bào tỉnh Yên Bái nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; góp phần khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, xây dựng đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

--------------------

Đồng chí A HỜ KHÁNH, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Wang (Đăk Hà, Kon Tum):

Nhiều bài học quý trong công tác xây dựng Đảng

Loạt bài “Xây dựng Đảng mạnh từ gốc-Thực tiễn sinh động của Yên Bái” vừa để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng, vừa là minh chứng thực tế về sức sống mạnh mẽ của Đảng khi “gốc rễ của Đảng” bám sâu vào quần chúng nhân dân. Là một cán bộ, đảng viên công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tôi thấu hiểu và trân quý những suy nghĩ, việc làm của trưởng bản, đảng viên Triệu Văn Lý hay Bí thư Chi bộ thôn Bản Lùng Ngô Văn Minh; những cán bộ lăn lộn với thực tiễn để “4 cùng” với dân...

Các vấn đề: “Đi tắt đón đầu” về tư duy trong xây dựng Đảng; "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” cụ thể, rõ ràng cho cán bộ luân chuyển; “cán bộ tỉnh... sinh hoạt chi bộ thôn”; đổi mới việc ra nghị quyết và "rút ngắn" con đường triển khai thực hiện; tinh giản bộ máy tổ chức đảng; xây dựng các mô hình, loại hình chi bộ... không chỉ riêng Yên Bái triển khai, mà nhiều địa phương cũng đã thực hiện thành công ở nhiều mức độ khác nhau.

Thế nhưng, qua các bài viết của Báo Quân đội nhân dân cho thấy, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt từ Tỉnh ủy đến các chi bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điểm mới ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái là huy động được sức mạnh tổng hợp trong tiến hành công tác xây dựng Đảng; phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ chủ trì các cấp; củng cố niềm tin vững chắc của quần chúng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Thực tiễn ở các tỉnh miền núi cho thấy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là chi bộ thôn, làng vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, để “Đảng mạnh từ gốc”, một mặt, phải quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Mặt khác, cán bộ, đảng viên phải về tận thôn, làng để cùng ở, cùng lao động với dân, tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội.

Tôi thấy những cách làm của tỉnh Yên Bái rất hay, rất thực tế và thực chất, không chỉ xây dựng được các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, mà còn giải quyết kịp thời, triệt để những hạn chế, vướng mắc từ cơ sở; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trên-dưới, cán bộ-quần chúng; tránh được tình trạng “cán bộ trên cây” và bệnh quan liêu, xa dân, xa cơ sở... Các địa phương khác nên nghiên cứu, vận dụng.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dung-su-that-ro-thuc-tien-694419