Dừng sử dụng amiang trắng: Để nguy cơ ung thư không còn ám ảnh mỗi nếp nhà

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: 'Thu được 1 đồng từ sản xuất sản phẩm có chứa amiang – sẽ phải mất 3 đồng để điều trị bệnh tật do amiang gây ra'. Đây chính là lý do để lộ trình dừng sử dụng amiang trắng mà Thủ tướng Chính phủ giao, cần phải sớm được đẩy mạnh hơn nữa.

Những bản làng Tây Bắc được bao phủ bởi tấm lợp fibro – xi măng có chứa amiang

Những bản làng Tây Bắc được bao phủ bởi tấm lợp fibro – xi măng có chứa amiang

Thông tin tại “Hội thảo báo chí về lộ trình dừng sử dụng amiang trắng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”, tổ chức mới đây tại Lạng Sơn, GS.TS Lê Văn Trình – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: Mặc dù có nhiều công dụng, nhưng amiang đã được thế giới chứng minh là chất gây ung thư. Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có trên 107.000 người chết vì các bệnh ung thư có liên quan đến amiang như: ung thư phổi, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo: "Amiang là nguyên nhân của khoảng 50% số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Cách tốt nhất để phòng chống các bệnh do amiang gây ra là không sử dụng tất cả các loại sản phẩm có chứa amiang".

Nhận thấy tác hại khôn lường từ các sản phẩm có chứa amiang gây ra, đến nay, đã có 64 nước cấm sử dụng amiang (năm 2000 mới chỉ có 25 nước cấm). Nhiều nước đã giảm tiêu thụ amiang đến mức tối đa, kèm theo đó là những tiêu chuẩn khắt khe cho những doanh nghiệp còn sử dụng nguyên liệu là amiang.

Tại Việt Nam, 80% amiang nhập khẩu được dùng để sản xuất tấp lợp fibro - xi măng (còn gọi là tấm lớp A-C). Hiện toàn quốc có gần 30 nhà máy vẫn đang sản xuất các loại tấm lợp có chứa amiang này. Bên cạnh nguy cơ ung thư cao đối với công nhân lao động – những người tiếp xúc trực tiếp và lâu năm với amiang; người dân sử dụng amiang cũng phải đối diện với nguy cơ bệnh tật từ những tấp lợp dùng để lợp nhà, lợp bếp và chuồng trại. Đáng lo ngại là, đa số người đang sử dụng các sản phẩm tấp lợp fibro - xi măng hiện nay đều là bà con vùng sâu, vùng xa; đồng bào các dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng nông thôn miền núi... Hình ảnh, những nếp nhà phủ kín bởi tấm lợp fibro - xi măng dọc theo các bản làng từ Bắc vào Nam, khiến không ít người có hiểu biết, có trách nhiệm và nặng lòng với cộng đồng phải ái ngại, bởi bà con đã nghèo, nay lại thêm nguy cơ có thể mắc phải những bệnh tật tiềm ẩn từ tấm lợp có chứa amiang.

Trẻ em vô tư nô đùa dưới mái trường lợp bằng tấm lợp fibro - xi măng - sản phẩm có chứa amiang đã được nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng

Là người đặc biệt tâm huyết và đã nhiều năm đeo đuổi quyết tâm hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng amiang tại Việt Nam, GS.TS Bùi Thị An (Viện trưởng Viện IRECO) cho hay: Sau rất nhiều cố gắng vận động, thuyết phục, đấu tranh của các tổ chức xã hội, các bộ, ban, ngành... ngày 1/1/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, trong đó có giao cho Bộ Xây dựng: "Nghiên cứu, xây dựng phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023". Theo đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án "Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023”.

Cùng với tiến trình này, Viện IRECO (đại diện cho nhóm Hành động vì công lý, Môi trường và sức khỏe – gồm 5 tổ chức xã hội) đã đề nghị Ủy ban Dân tộc cùng phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền về tác hại của amiang tới sức khỏe của con người đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người. Trong đó, báo chí được lựa chọn là một trong những kênh quan trọng để giúp đồng bào hiểu rõ hơn về tác hại của amiang, từ đó tiến tới nói “không” với các sản phẩm tấm lợp có chứa amiang.

Chia sẻ thông để các phóng viên, nhà báo góp thêm tiếng nói thúc đẩy lộ trình dừng sử dụng amiang trắng vào năm 2023

Tại “Hội thảo báo chí về lộ trình dừng sử dụng amiang trắng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”, đông đảo các phóng viên, nhà báo Trung ương và địa phương cùng 65 đại biểu là người có uy tín, trưởng thôn ở các huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn đã được nghe những chia sẻ cụ thể, đầy đủ về tác hại của amiang trắng đối với sức khỏe của con người, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, nắm được thông tin về các giải pháp thay thế, tình hình vận động ngừng sử dụng amiang trắng trên thế giới; cùng với đó là các cam kết của Ủy ban Dân tộc và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền, vận động dừng sử dụng Amiang trắng đến năm 2023.

Ngay sau hội thảo, lễ phát động Giải báo chí viết về tác hại của amiang và vận động dừng sử dụng amiang trắng từ năm 2023 cũng đã được thực hiện. Đây được xem là cơ hội để các nhà báo góp thêm tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt nhằm đấy nhanh hơn nữa lộ trình dừng sử dụng amiang trắng tại Việt Nam; để những mái nhà sử dụng tấm lợp fibro - xi măng sẽ chỉ là câu chuyện của quá khứ.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dung-su-dung-amiang-trang-de-nguy-co-ung-thu-khong-con-am-anh-moi-nep-nha-106964.html