Đừng 'sốc' vì biểu hiện lạ của trẻ ở lâu trong nhà, đều có cách ứng phó!

Trẻ cáu bẳn, phá phách, chán nản, xem web đen, nghiện game... là một số bất ổn tâm lý có thể gặp phải khi trẻ nghỉ học tránh dịch bệnh, phải ở trong nhà nhiều mà không có hoạt động vui chơi phù hợp.

Trẻ em ở trong nhà quá lâu, không có hoạt động vui chơi phù hợp sẽ dễ bị bất ổn tâm lý. (ảnh minh họa)

Trẻ em ở trong nhà quá lâu, không có hoạt động vui chơi phù hợp sẽ dễ bị bất ổn tâm lý. (ảnh minh họa)

Dưới đây TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ chia sẻ các vấn đề bất ổn tâm lý mà trẻ có thể gặp phải trong thời gian nghỉ học, ở trong nhà quá nhiều:

Với trẻ dưới 9 tuổi

Thứ nhất, trẻ trở nên quá hiếu động. Các con tích trữ nhiều năng lượng mà không có môi trường để xả ra nên khả năng các con bùng phát năng lượng, phá phách, nghịch ngợm là rất cao.

Phương án xử lý trong trường hợp này là cha mẹ nên giảm các đồ bồi bồ năng lượng như sữa, đường,... và tăng cường thể thao trong nhà.

Cha mẹ nên tìm cơ hội cho con ra ngoài trời, tới các khu vực vắng người để giải tỏa năng lượng.

Thứ hai, trẻ cảm thấy cô đơn, chán nản.Biểu hiện có thể là mút tay, mút môi, sờ một bộ phận nào đó trên cơ thể,....

Trường hợp này cha mẹ nên đưa ra phương án xử lý như tìm các việc phù hợp cho con làm, ví dụ như hướng dẫn con làm việc nhà.

Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con, chơi với con, đọc sách cùng con, ôm con trước khi ngủ.

Cha mẹ có thể chia sẻ với con nỗi lo lắng của mình và nhờ con cùng mình vượt qua khó khăn.

Thứ ba, trẻ dễ phát cáu, gây sự, hay khóc, ăn vạ.

Phương án xử lý khi con khóc nên để con tự nín. Sau khi con ngừng khóc hoàn toàn chừng 15 phút thì hãy nói chuyện, cư xử bình thường, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc.

Ngày thường, cha mẹ nên chơi cùng con, giao tiếp, trao đổi, tránh mắng mỏ con.

Với trẻ trên 9 tuổi

Tuổi teen là độ tuổi dễ khủng hoảng hơn rất nhiều. Việc ở nhà nhiều sẽ khiến các con dễ sa vào các việc bị cấm.

TS Vũ Thu Hương từng phát hiện ra nhiều trường hợp thử chụp ảnh khỏa thân, thử hút bóng cười, thuốc lá điện tử, thử ngủ cùng nhau, đọc truyện cấm, xem phim đen.... Nhiều bạn còn có thể rủ nhau đi chơi xa, rủ nhau bơi lội, rủ nhau bỏ nhà đi, gây gổ đánh nhau, nghiện game,....

Ảnh minh họa

Phương án xử lý trong tình huống này là cha mẹ cần bố trí lại thời gian biểu cho con, yêu cầu các con sinh hoạt đúng giờ giấc, không thức khuya, dậy muộn.

Cha mẹ có thể biến con thành các quản gia, giao mọi việc từ phân công, quản lý cho các con tự xử lý.

Nên cho con đọc thông tin và bàn luận về các vấn đề cuộc sống cùng cha mẹ; khuyến khích con vượt qua tính lười biếng để tự học tốt nhất, tìm kiếm thông tin qua sách báo tham khảo.

Ngoài ra, cha mẹ cũng rất cần bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để cho con ra ngoài giải tỏa.

K. Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dung-soc-vi-bieu-hien-la-cua-tre-o-lau-trong-nha-deu-co-cach-ung-pho-post335131.info