Đừng sợ nhà đầu tư làm giàu

Đó là quan điểm của PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khi nói về cơ chế chia sẻ rủi ro với dự án PPP. Trong dự án này, phải cả Nhà nước và tư nhân được lợi.

.

.

Đừng sợ nhà đầu tư làm giàu

Một cách thẳng thắn, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, bản chất của phương thức PPP là Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng ký hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro, cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng công trình hay cung cấp một dịch vụ công nào đó.

Trong việc thực hiện hợp đồng này, theo ông Trần Chủng, trong khi “lợi ích” nhận dạng khá rõ, thì “rủi ro” lại rất khó để được nhận dạng đầy đủ.

Thậm chí, lâu nay, các nhà đầu tư luôn trong tình thế của những người “yếu thế”, mọi rủi ro đều phải tự gánh chịu. Lý do là vì, một bộ phận trong các cơ quan nhà nước vẫn cho rằng, kể cả đầu tư PPP thì cũng phải theo cơ chế thị trường, kiểu “lời ăn lỗ chịu”, mà không hiểu rằng, đây là hình thức đầu tư rất đặc thù.

“Chúng tôi kỳ vọng, Luật PPP tôn trọng bản chất của phương thức đối tác công - tư, tôn trọng các nhà đầu tư tư nhân là một đối tác để cùng Nhà nước thực hiện các dự án mà lẽ ra Nhà nước phải làm để phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ nhân dân. Phải hiểu rằng, trong dự án PPP, Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi, đừng sợ nhà đầu tư làm giàu, bởi lợi ích lớn nhất là nền kinh tế phát triển, nhân dân được thụ hưởng các công trình, dịch vụ tốt”, ông Trần Chủng nói.

Theo ông Trần Chủng, thì các nhà đầu tư rất chờ mong, Luật PPP sẽ phần nào tháo gỡ được nút thắt này để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, nhất là khi trong Dự thảo Luật, đã có các quy định về chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, kể cả trong trường hợp rủi ro giảm doanh thu.

Cẩn trọng để tránh phát sinh tiêu cực

Vui mừng trước việc Dự thảo Luật PPP đã đưa ra các quy định về chia sẻ rủi ro trong dự án PPP, song ông Trần Chủng cho rằng, nên cẩn trọng bởi có thể các quy định này cũng có thể làm phát sinh tiêu cực.

Cụ thể, theo ông Chủng, Điều 83, Dự thảo Luật PPP quy định cơ chế áp dụng việc chia sẻ giảm doanh thu được căn cứ dựa trên doanh thu thực tế và doanh thu cam kết trong hợp đồng (tối đa 75% doanh thu trong phương án tài chính).

Tuy nhiên, hiện lại chưa có hướng dẫn, điều kiện cụ thể về việc xác định mức doanh thu cam kết trong hợp đồng. “Cơ sở chọn tối đa 75% dễ bị lợi dụng trong thỏa thuận của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là kẽ hở cho tiêu cực. Mức doanh thu cam kết sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán của các bên, theo đó không có sự nhất quán giữa các dự án”, ông Trần Chủng nói.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 83, cơ chế chia sẻ 50% phần tăng/hụt thu chỉ được quyết định áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh giá/phí/thời hạn hợp đồng. Việc này, theo ông Trần Chủng, cũng sẽ phát sinh cơ chế xin - cho và có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư với nhau. Hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc điều chỉnh giá/phí/thời hạn hợp đồng.

Theo ông Trần Chủng, để giảm thiểu tiêu cực, phải có tiêu chí rõ ràng về việc điều chỉnh giá vé thu phí, điều chỉnh thời hạn hợp đồng… Các tiêu chí này phải được cấp có thẩm quyền quyết định trước khi lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch công bằng và nhà đầu tư, ngân hàng có đủ cơ sở đánh giá tính rủi ro trước khi quyết định tham gia dự án.

Bên cạnh đó, điều khiến ông Trần Chủng băn khoăn, đó là Dự thảo Luật quy định, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu chỉ được thực hiện khi điều này được xác định tại chủ trương đầu tư. Có nghĩa là, cơ chế này được hiểu chỉ áp dụng cho các dự án mới sau khi Luật có hiệu lực.

“Vậy cơ chế này sẽ áp dụng như thế nào đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư như các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án đang triển khai hoặc đang vận hành. Các nhà đầu tư kiến nghị Luật bổ sung thêm điều kiện áp dụng cơ chế này”, ông Trần Chủng nhấn mạnh.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dung-so-nha-dau-tu-lam-giau-d120650.html