'Đừng sợ dân giàu'

Có tới 8 nhóm khuyến nghị chính sách đã được các đối tác phát triển của Việt Nam gửi tới Tổ Biên tập Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Tất cả các khuyến nghị đều quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, điều đáng nói là những khuyến nghị này đều không mới.

Phải chăng, những bất cập cơ bản của nền kinh tế chưa được xử lý triệt để cho dù nó đã được đưa ra từ lâu. Đây có phải việc lắng nghe khuyến nghị rồi để đấy, hay những vấn đề nội tại này không thể giải quyết, đặc biệt vấn để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển?

Đồng lực kinh tế tư nhân

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Có thể nói, chưa bao giờ kinh tế tư nhân lại được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Việc lần đầu tiên có một nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành là dấu ấn lớn, song chắc chắn là kết quả của quá trình thay đổi nhận thức, đột phá tư duy qua các thời kỳ.

Từ Đại hội VI, Đảng đã khởi xướng công cuộc Đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần. Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (1992) kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Kể từ đó qua các Đại hội IX, X, XI, XII, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân nhiều lần được đưa ra thảo luận. Chủ trương “Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế” được chỉ rõ.

Thật ra thì dù được công nhận hay không thì kinh tế tư nhân vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Bởi dù thế nào đi nữa thì chính người dân mới là chủ thể của xã hội. Nơi đó, đời sống của họ gắn chặt với cuộc sống và chính người dân vẫn là nền tảng chủ yếu của “tồn tại xã hội”.

Bối cảnh chiến tranh và sự lựa chọn mô hình phát triển, mô hình thể chế trong quá khứ một thời gian đã vô tình đặt kinh tế tư nhân ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng dù vậy, thì kinh tế tư nhân, vốn là phần tất yếu của bất kể một đời sống xã hội nào, vẫn âm thầm vận động theo quy luật của nó. Có thể, ở mỗi thời kỳ, vai trò của kinh tế tư nhân có bước thăng, trầm do ý chí của nhà cầm quyền, thì sự tồn tại của nó vẫn khó có thể phủ nhận.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Kể ra, đây là một trong những định hướng quan trọng và cụ thể của Đảng về kinh tế tư nhân. Và lẽ ra nó phải được vận dụng một cách tốt nhất để tạo ra một môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh hoàn thiện để kinh tế tư nhân bật dậy. Ấy vậy nhưng, phải đến khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần phát biểu nói rằng: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng...”, thì khi đó dường như một sự “an tâm” cần thiết mới được thiết lập.

Đột phá thể chế

“Đừng sợ dân giàu” phát biểu điều này Thủ tướng đã thấy rõ vấn đề phải cải cách thể chế, trong Diễn đàn Kinh tế mới đây thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự thì một số chuyên gia nước ngoài đã nói rất rõ rằng yêu cầu cải cách thể chế là rất lớn nhưng quan trọng không kém là phải thực thi, hành động có thứ tư ưu tiên và tập trung giải quyết các vấn đề. Thủ tướng cũng tán thành những cách như vậy, nghĩa là luật pháp, chính sách và cơ chế thi hành thật tốt và phải có hành động thực tế. Thủ tướng tuyên bố thẳng quan điểm thị trường đừng sợ dân giàu, rằng quyền sở hữu, quyền tài sản được bảo vệ theo Hiến pháp, nếu thủ tục thuận lợi và mang tính thị trường thì nước lên thuyền lên.

Đại hội XIII của Đảng đang ngày càng gần. Cần đột phá vào đâu vẫn làm đau đầu những người tâm huyết và cơ quan soạn thảo văn kiện. Các ý kiến đóng góp vẫn đang được thu thập và cập nhật.

8 nhóm kiến nghị bao gồm: tái cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phát triển bền vững (bao gồm cả biến đổi khí hậu); các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu khu vực tài chính và ngân hàng; vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; nguồn vốn con người và phát triển xã hội; tăng cường các thể chế và quản trị nhà nước và các vấn đề liên quan đến trẻ em Việt Nam.

“Tăng trưởng của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này thông qua môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường”, ông Osmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàngThế giới tại Việt Nam nói.

Đây chỉ là một trong 8 nhóm khuyến nghị chính sách đã được các đối tác phát triển của Việt Nam gửi tới Tổ Biên tập Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Xem ra, động lực quan trọng của nền kinh tế, tức kinh tế tư nhân, vẫn cần có những bước đột phá quan trọng khác.

Mà đột phá quan trọng nhất có lẽ vẫn là tư duy về kinh tế tư nhân, bắt đầu từ những góp ý quan trọng để hình thành nên văn kiện của Đại hội XIII. Nếu không, chắc sẽ phải mất ¼ thế kỷ nữa để đưa kinh tế tư nhân về với bản chất vốn có của nó.

Dường như doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng với cách đối xử tương xứng, như nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên: “Nghịch lý của chúng ta là ở chỗ, chúng ta vẫn coi DNNN, khu vực tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất của nền kinh tế, là chủ đạo. Trong khi, các doanh nghiệp tư nhân, với nhiều tỷ phú mới xuất hiện, chỉ được coi là lực lượng quan trọng sau 30 năm Đổi mới”.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group:

Chúng tôi mong muốn có được sự cởi trói, sự ủng hộ để doanh nghiệp tư nhân làm được nhiều hơn nữa cho đất nước, đóng góp cho những lĩnh vực mà trước nay chỉ có nhà nước làm hoặc chỉ có các tập đoàn nước ngoài có thể làm được.

Sun Group không phải là doanh nghiệp duy nhất đặt tham vọng lớn với các ngành, lĩnh vực mà trước nay doanh nghiệp Việt e ngại. Kinh tế tư nhân hiện đã tham gia ở tất cả lĩnh vực, từ sản xuất, thương mại đến dịch vụ hay thậm chí cả những dịch vụ công. Tất cả đang ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và xã hội.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa:

Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải tạo ra những sản phẩm chiến lược mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững và giá trị cho khách hàng. Trong chiến lược cạnh tranh ở giai đoạn mới, không riêng gì khu vực tư nhân, tất cả các doanh nghiệp đều phải tập trung vào đổi mới và sáng tạo. Đó là tham gia sâu vào chuỗi giá trị, luôn tập trung vào các yếu tố đổi mới, chất lượng đầu ra và khâu phân phối. Định hướng phát triển sắp tới, công ty tận dụng tối đa những lợi thế hiện có để tạo giá trị bền vững, xây dựng đội ngũ nhân lực ngày càng chất lượng và tạo ra những sản phẩm tiện lợi với tiêu chí “cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm họ cần mà họ chưa biết”.

Đại Dương

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dung-so-dan-giau-163259.html