Dũng sĩ Đồi Xanh kể chuyện đánh trận Điện Biên Phủ

Trước thềm kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên phủ, chúng tôi may mắn được trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Đức Song, nguyên Giám đốc Nhà máy Thông tin M1, Binh chủng Thông tin liên lạc. Người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ mang lại cho chúng tôi niềm tự hào và sự cảm phục... Ông đã cùng đồng đội ngoan cường chiến đấu bảo vệ an toàn Đồi Xanh ở mặt trận Điện Biên Phủ trong suốt 32 ngày đêm, buộc địch phải lùi bước. Tổng kết trận đánh, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu 'Dũng sĩ Đồi Xanh'.

Đại tá Đặng Đức Song tặng Thư viện Quân đội cuốn hồi ký của ông. Ảnh: Bích Nguyên

Đại tá Đặng Đức Song tặng Thư viện Quân đội cuốn hồi ký của ông. Ảnh: Bích Nguyên

Người chiến sĩ của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa giờ đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi xa 65 năm - quãng thời gian xấp xỉ một đời người, vậy mà Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Đức Song vẫn nhớ như in từng ngày trên mặt trận.

Trong một chiều đầu hè, giữa những người lính trẻ, ông Song hồi tưởng lại từng trận đánh ở Điện Biên Phủ như vừa mới xảy ra hôm qua. Chúng tôi ngồi nghe trong niềm xúc động và tự hào trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, táo bạo của ông và những đồng đội một thời.

Ông Song sinh ra và lớn lên tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông đi theo cách mạng từ khi mới 16 tuổi, tham gia chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954. Khi đánh trận Điện Biên Phủ, ông mới tròn 20 tuổi. Ông bảo, vinh dự lớn nhất trong cuộc đời là được chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu cho đến ngày toàn thắng. Trong đội hình của Đại đoàn 316, ông Song được biên chế vào Tiểu đội Trung liên, Đại đội 28, Tiểu đoàn Bộ binh 439, Trung đoàn 98.

Nhớ lại chiến trường Điện Biên Phủ, ông Song bồi hồi như thể đang chờ giờ khai trận của 65 năm trước: “Tôi và đồng đội chuẩn bị cẩn thận mọi thứ cần thiết cho chiến dịch này. Ai cũng háo hức chờ ngày khai hỏa. Tôi còn nhớ, 2 ngày trước ngày ấn định tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, chúng tôi được xem sa bàn, nhận diện các mũi tấn công của từng đơn vị. Tối 24-1-1954, chúng tôi được lệnh hành quân vào vị trí tập kết. Mỗi người đeo 2kg lương khô, nước, súng, dây trói tây, xẻng, cuốc. Chúng tôi hành quân từ 4 giờ sáng ra bìa rừng, đợi mãi tới gần sáng, không thấy lệnh chiến đấu, ai cũng băn khoăn, sốt ruột. Một lúc sau, chúng tôi nhận được lệnh quay về vị trí cũ. Lúc đi thì rất khí thế, nhưng lúc về, ai nấy cũng đều tâm trạng. Tôi bị trượt ngã rất nhiều, thấy súng và ba lô sao mà nặng thế”.

Đơn vị của ông Song về tới vị trí cũ khoảng 10 giờ sáng, tâm trạng mọi người đều nặng nề với chuyến ra trận hụt. “Lúc đó, chúng tôi rất buồn, không ai muốn ăn cơm, cứ tự hỏi nhau, không biết có đánh không nhỉ” - Ông Song kể. Sáng hôm sau, ông Song và đồng đội được cấp trên phổ biến tình hình, nêu rõ địch bây giờ đông hơn rồi, pháo binh của địch cũng nhiều hơn. Phía ta vẫn quyết chiến quyết thắng nhưng đổi phương châm thành “đánh chắc, tiến chắc”. Ngay sau khi được đả thông tư tưởng, ông Song và đồng đội liền tập trung vào củng cố hầm hào, làm đường kéo pháo, chuẩn bị đạn dược gấp 3-4 lần cho trận đánh lớn. “Thực hiện phương châm đã được phổ biến, chúng tôi tích cực đào hào, làm hầm. Địch phá kinh lắm, lúc chúng dội bom, lúc bắn pháo, gài mìn..., nhưng chúng tôi vẫn miệt mài đào hào với đủ các tư thế. Chúng tôi vừa đào hào tuyến chính, vừa ngụy trang lừa địch. Những đường hào của ta từng ngày tiến tới, thít chặt địch” - Ông Song nhớ lại.

Trong những ngày chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, ông Song nhớ nhất là trận đánh Đồi Xanh, chính là điểm cao 781. Sở dĩ gọi là Đồi Xanh vì điểm cao này có rừng cây rậm rạp. Đồi Xanh có vị trí chiến lược quan trọng khi chỉ cách cánh đồng Mường Thanh vài cây số. Ở điểm cao này có thể bao quát toàn bộ khu vực phía Đông Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với địa thế, tính chất quan trọng, cả ta và địch đều muốn làm chủ Đồi Xanh, vì thế, cuộc chiến ở đây diễn ra vô cùng ác liệt.

Ông Song kể: “Tôi là Tiểu đội phó phụ trách trung liên. Từ ngày 3 đến 5-3-1954, địch liên tục bắn pháo, bỏ bom, chúng tôi vẫn đào hào để chuẩn bị chiến đấu. Địch huy động 3 tiểu đoàn có xe tăng, pháo binh bắn tan hoang cả Đồi Xanh. Chỉ trong ngày 3-3-1954, địch tấn công lên Đồi Xanh 5 đợt, trong đó, đợt thứ 3 địch tấn công lên chúng tôi khoảng hơn 1 trung đội, chúng bò lên cách chỗ tôi phòng ngự khoảng hơn 10m. Địch ném lựu đạn làm đồng chí Chương bị thương ở cổ, còn lại tôi và đồng chí Doanh, một tân binh không bị thương. Tôi nhìn xa thấy một tên tướng có thêm một lính thông tin đi cùng. Tôi ngắm bắn, tên quan gục xuống, tên lính thông tin cũng trúng đạn bị thương. Thấy vậy, bọn lính địch trước mặt tôi nằm im, không dám tiến lên nữa. Tôi ném lựu đạn vào toán địch, chúng táo tác bỏ chạy”.

Những ngày sau đó, địch tiếp tục tấn công nhiều đợt hòng chiếm lại Đồi Xanh nhưng đều bị đánh bại.

Ông Song tự hào nói: “Mặc dù chỉ có 24 người, nhưng chúng tôi đã đánh lui rất nhiều đợt tấn công của địch và phối hợp với đơn vị cao xạ bắn rơi máy bay địch, bảo vệ an toàn Đồi Xanh”. Sau trận ấy, cả 24 chiến sĩ (kể cả những người hy sinh) thuộc các tổ trung liên được tặng danh hiệu "Dũng sĩ Đồi Xanh".

Giữ vững Đồi Xanh, đơn vị ông Song tiếp tục tham gia đánh chiếm lại đồi C1. Ông Song còn nhớ như in: “Ngày 31-3, tôi được giao làm Tiểu đội trưởng, mũi nhọn của Đại đội lên đánh chiếm lại đồi C1, lấy lại lô cốt cột cờ. Khi tiến vào đồi C1, chúng tôi gặp đồng chí Hoàng Niệm và một đồng chí bị thương ở đầu tại lô cốt đầu cầu, mặt đồng chí Niệm khói đạn đen sạm. Chúng tôi theo đồng chí Niệm tiếp tục di chuyển theo các đường hào lên điểm chốt chặn của địch. Khi tới đoạn hào cuối cùng cách địch 20m, chúng tôi gặp 1 đồng chí bị thương, gãy 2 chân, tay vẫn còn nắm lựu đạn. Tôi quyết tâm bò thêm 5m nữa. Sau khi ném lựu đạn vào khẩu trung liên của địch, tôi hô xung phong. Chúng tôi xông lên, thấy 2 tên địch chết, 1 bị thương ở cổ. Đợt tiến công đó, chúng tôi lấy lại được lô cốt cột cờ, lô cốt số 4 và số 6, chiếm lại được đồi C1”.

Ngày 7-5-1956, hai năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người chiến sĩ anh dũng, quả cảm Đặng Đức Song được Nhà nước tuyên dương và trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. 65 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về chiến dịch Điên Biên Phủ vẫn vẹn nguyên và là niềm tự hào của người lính đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dung-si-doi-xanh-ke-chuyen-danh-tran-dien-bien-phu/