Đừng 'sát thương' tâm hồn con trẻ

Trường con trai tôi tổ chức Noel vào cuối giờ học. Chiều hôm ấy, vì có việc đột xuất nên tôi về đón con muộn. Vừa may khi về đến nơi thì đúng tiết mục lớp con đang biểu diễn.

Đứng xem một lúc không thấy con trên sân khấu, cũng không thấy ngồi dưới hàng ghế khán giả, tôi nháo nhác đi tìm thì thấy con đứng một mình sau cánh gà, mắt ầng ậc nước. Thấy tôi, con chạy ào ra, chưa kịp hỏi chuyện thì phụ huynh của một bạn cùng lớp con tôi nói lớn: “Lần nào lên sân khấu cũng khóc, lại phải cho xuống. Đến mà đón sản phẩm lỗi về!”. Nghe đến đấy, con trai tôi òa khóc. Thâm tâm tôi biết vị phụ huynh kia nói đùa mà sao cổ họng nghẹn đắng lại, nước mắt cứ thế trào ra không ngăn được...

- Chiều nay con hồi hộp nên khóc khi lên sân khấu à?-Tôi hỏi con khi trở về nhà.

- Con không nhìn thấy mẹ đâu nên con buồn lắm!

- Mẹ xin lỗi vì đã về muộn, con rất ngoan khi không khóc mà đợi mẹ đón, cảm ơn con trai! Thế không được lên sân khấu biểu diễn con có buồn không?-Tôi ôm con thủ thỉ.

- Con không ạ!-Con trả lời và nhoẻn cười.

Quả là con trai tôi khá nhát sân khấu. Nhiều lần biểu diễn ở trường cùng cô và các bạn, con chỉ diễn được nửa chừng là mếu máo phải đi xuống. Ban đầu tôi cảm thấy rất bối rối. Nhưng nhiều lần quan sát con chỉ biểu hiện như vậy khi biểu diễn ở trường, còn ở những cuộc vui chơi khác, dù lạ nhưng cháu thậm chí một mình lên sân khấu hát say sưa không ngại đông người thì tôi bớt lo lắng phần nào. Chỉ là cháu không thoải mái ở sân khấu của trường, vậy thôi. Nên tôi đã trao đổi với cô giáo để cô hiểu và không ép con nếu cháu chưa sẵn sàng. Điều tôi cảm thấy buồn và bất bình là cách ứng xử của vị phụ huynh kia. Con trẻ ngây thơ chưa hiểu hết ẩn ý lời nói, nhưng miệt thị khiếm khuyết của người khác, nhất lại là khiếm khuyết của con cái trước mặt cha mẹ chúng thì thật thiếu văn minh.

Không phải đến bây giờ khi con trai tôi 4 tuổi, tôi mới gặp những phụ huynh vô duyên như thế, và chúng ta đã rất quen với những câu hỏi kiểu như thế này: “Tại sao từng này tuổi mà chưa biết nói/tự xúc cơm/tự làm...?”, “Sao béo/gầy thế?”, “Nhìn xem, các bạn biết làm hết rồi kìa”... Những câu nói vẻ như quan tâm mà kỳ thực là những lời gây "sát thương" tâm hồn con trẻ, không chỉ tạo mâu thuẫn, tích tụ ấm ức mà còn làm thui chột sự tự tin, khả năng tiềm ẩn trong mỗi người. Albert Einstein từng nói rằng, ai cũng là thiên tài, nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời mà tin rằng nó là kẻ ngốc.

Không giống người khác là “sản phẩm lỗi” sao? Mỗi đứa trẻ là một tiểu thế giới, đầy màu sắc, đặc biệt và duy nhất. Trẻ nhỏ không phải là đối tượng để mang ra trêu đùa, bỡn cợt. Vì vậy mà người lớn, hãy ngừng vô duyên!

HOÀI ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/dung-sat-thuong-tam-hon-con-tre-607031