Đừng 'rón rén' với công khai, minh bạch

Vừa qua, tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập xảy ra nhiều vụ 'thổi giá' trong mua sắm thiết bị y tế gây chấn động.

Vụ nâng giá thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai gây xôn xao dư luận.

Vụ nâng giá thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai gây xôn xao dư luận.

Về vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kết quả điều tra bước đầu cho thấy một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT); Tuy nhiên, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.

Hành vi chiếm đoạt trên lưng người bệnh gây phẫn nộ. Chắc chắn, vụ án sẽ được mở rộng điều tra bởi Công ty BMS đã trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện với giá trị lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Không ai lạ, những năm qua thị trường trang thiết bị y tế (TBYT) Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Tổng vốn đầu TBYT trong năm 2010 chỉ là 515 triệu USD thì đến năm 2019, đã tăng lên 1,68 tỷ USD.

Điều này là hợp xu thế bởi nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, trong nước không sản xuất được TBYT hiện đại.

Đáng buồn, cùng với sự tăng trưởng chóng mặt này đã xuất hiện không ít vụ mua bán lòng vòng, “thổi giá”, “đội giá”.

Trước vụ BMS là vụ mua sắm vật tư, TBYT phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Trung tâm CDC Hà Nội bị phanh phui. Tiền “thổi giá” đổ lên đầu những người bệnh khốn khổ!

Để góp phần hạn chế “thổi giá” trục lợi, ngày 9/9 vừa qua, Bộ Y tế chính thức khai trương Cổng thông tin công khai giá TBYT. Đây được coi biện pháp công khai minh bạch (CKMB) quan trọng.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc CKMB giá là một trong những bước đi quan trọng để làm lành mạnh và minh bạch. Tiến tới, Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định để hạn chế tiêu cực.

Điều trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực trong mọi lĩnh vực đều cần cơ chế công khai, minh bạch; không riêng nhập TBYT.

Mấy lâu nay, trong các cơ quan, đoàn thể, cơ chế quản lý, cải cách hành chính được xây dựng và thực hiện đạt hiệu quả khá tốt.

Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm dân chủ trong xây dựng cơ chế quản lý đối với mỗi đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị càng cần được tăng cường hơn nữa. Một trong những vấn đề cốt yếu là hoàn hiện cơ chế CKMB.

Nếu việc gì cũng viện lý do nội bộ, không CKMB sẽ dung dưỡng những hành vi cơ hội, trục lợi cá nhân.

CKMB không có nghĩa là tất cả mọi việc đưa ra để ai cũng biết, mà chủ yếu là trong phạm vi nhất định, những công việc cần để cán bộ, nhân viên nắm rõ và thực hiện giám sát, nhằm bảo đảm dân chủ trong hoạt động công tác của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, góp phần chống tham nhũng, lãng phí.

Một cơ thể khỏe mạnh không sợ “gió máy” khi thay đổi thời tiết. Một thể chế tiến bộ văn minh là thể chế đó CKMB đến mức có thể. Đừng “rón rén” với CKMB.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thoi-luan/dung-ron-ren-voi-cong-khai-minh-bach-d135090.html