Dùng robot truy vết, siết kiểm soát dịch ở khu công nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý TP.HCM có thể triển khai thí điểm dùng robot đi hỏi thăm sức khỏe của công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chiều 2-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp nhanh với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Vũ Đức Đam cho rằng TP.HCM cần đặc biệt lưu ý và có giải pháp quản lý công nhân, kiểm soát dịch bệnh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX). “Cần sự hỗ trợ của giải pháp công nghệ để kiểm soát. Ngay lúc này, các đồng chí phải siết rất chặt việc kiểm soát dịch, còn nếu không may để lây nhiễm thì trở tay không kịp” - ông Đam nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết hiện TP.HCM đang triển khai các biện pháp nhanh, quyết liệt kiểm soát dịch trong các KCN, KCX. Theo ông Đức, hiện TP đang gấp rút hoàn chỉnh danh sách công nhân đang làm việc trong các KCN, KCX để quản lý nhanh, chặt… như số điện thoại, địa chỉ tạm trú và luôn sẵn sàng truy vết kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Sau khi nghe ông Dương Anh Đức nói, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý TP.HCM có thể triển khai thí điểm dùng robot đi hỏi thăm sức khỏe của công nhân ở các KCN, KCX. “Kinh nghiệm ở Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy khi dịch vào KCN, KCX, chúng ta không đủ nhân lực để thực hiện lấy mẫu” - ông Đam nói.

Theo ông Đam, trước khi chưa bùng phát dịch tại các KCN, KCX, TP.HCM có thể nghiên cứu phương án hướng dẫn người lao động tự lấy mẫu làm xét nghiệm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Giải pháp dùng robot được ông Vũ Đức Đam mô tả thêm là sử dụng robot gọi điện thoại tự động tới người dân tại khu vực có khả năng lây nhiễm cao để hỏi thăm sức khỏe. Robot này sẽ cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân và phát hiện những ai có triệu chứng dịch, từ đó ngành y tế sẽ kịp thời đến làm xét nghiệm.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TT&TT sớm triển khai mô hình này tại TP.HCM để tầm soát y tế nhanh nhất.

Đồng tình với chỉ đạo trên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng có thể áp dụng giải pháp gọi điện thoại truy vết bằng robot. Ông cho biết kết quả của những cuộc gọi sẽ được cập nhật mỗi ngày để sàng lọc, đảm bảo thông tin thông suốt.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đã ghi nhận ba ca bệnh làm việc trong ba KCN: Tân Bình, Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Vĩnh Lộc (huyện Hóc Môn).

Trước nguy cơ lây nhiễm trong KCN, KCX, ông Bỉnh cho biết TP đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại đây. Phân loại cụ thể các cơ sở, đơn vị có hoạt động sản xuất trong môi trường khép kín, sử dụng máy lạnh để giám sát nguy cơ.

Triển khai thực hiện nghiêm biện pháp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang bắt buộc tại cơ sở kinh doanh, sản xuất. Người lao động khai báo y tế hằng ngày tại cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất quản lý chặt chẽ thông tin người lao động để cung cấp đầy đủ cho các đơn vị chức năng khi có yêu cầu.

Xây dựng phương án phối hợp xử lý tình huống khi phát hiện người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX, khu công nghệ cao nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 và các chế độ chính sách đối với người lao động trong tình hình dịch bệnh.

Cùng với đó là mở rộng xét nghiệm tầm soát cho người lao động tại KCN, KCX, khu công nghệ cao nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, đặc biệt là các cơ sở lao động sản xuất trong môi trường khép kín, sử dụng máy lạnh.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/dung-robot-truy-vet-siet-kiem-soat-dich-o-khu-cong-nghiep-989872.html