Dựng rạp ma chay, hiếu hỉ dưới lòng, lề đường: Rập rình nỗi lo tai nạn!

Vụ ô tô Lexus BKS 49X - 6666 tông thẳng đoàn phu công khiến 4 người tử vong và 6 người bị thương xảy ra tại một đám tang ở đường Nguyễn Công Trứ, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn, Bình Định) vào ngày 11/4 cho thấy mối họa tai nạn từ việc dựng rạp tổ chức ma chay, hiếu hỉ dưới lòng đường là rất lớn.

Một trường hợp dựng rạp tổ chức đám cưới ngay trên tỉnh lộ 631 qua xã Nhơn Phong (TX An Nhơn)

Một trường hợp dựng rạp tổ chức đám cưới ngay trên tỉnh lộ 631 qua xã Nhơn Phong (TX An Nhơn)

Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT - CA tỉnh Bình Định), khẳng định: “Việc dựng rạp phục vụ ma chay, hiếu hỉ của hộ gia đình dưới lòng đường, trên toàn bộ hè phố là hành vi vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi đa phần các rạp đều không có cảnh báo, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ thiếu chú ý quan sát, không bảo đảm tốc độ, xử lý kịp thời là có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường”.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm như dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Ngoài ra việc cản trở giao thông với hành vi lấn chiếm, chiếm dụng lòng lề đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ... gây hậu quả nghiêm trọng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định là vậy, nhưng chuyện người dân dựng rạp cưới, đám tang dưới lòng đường diễn ra khá phổ biến trên các tuyến QL, tỉnh lộ qua địa bàn tỉnh. Việc xử lý hành vi này cũng không hề dễ dàng. Một lãnh đạo phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), cho hay những gia đình tổ chức tiệc, dựng rạp xuống lòng đường phần lớn do không có mặt bằng hoặc không có khả năng tài chính tổ chức tại nhà hàng. “Địa phương phần lớn chỉ nhắc nhở; nếu xử lý không khéo dễ bị chủ gia, người dân phản ứng, nhất là các trường hợp ma chay”, vị này nói.

Trung tá Ngô Đức Hoài, cho rằng khâu quản lý, kiểm tra việc người dân dựng rạp dưới lòng đường, nhất là đám cưới chưa được chính quyền cấp cơ sở quan tâm. Tâm lý “ngại làm phiền” trong ngày hiếu hỉ, tang gia khiến việc xử lý những hộ vi phạm còn bỏ ngỏ.

Tại Điều 5, Quyết định số 20 ngày 22/6/2012 của UBND tỉnh Bình Định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường đô thị ngoài mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh, quy định: Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc cưới, việc tang phải báo cáo và được sự đồng ý của UBND xã, phường, thị trấn. Thời gian sử dụng tạm thời không quá 48 giờ và phải đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Thế nhưng, nhiều hộ gia đình lại không nắm được quy định này. Chị Nguyễn Thị Như Q., hộ dân ở Phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn), cho biết: “Lâu nay, tôi và người dân cứ nghĩ dựng rạp dưới vỉa hè, lòng đường không phải xin phép. Rạp chỉ chiếm một nhỏ diện tích lòng đường nên cũng không ảnh hưởng gì”.

Trung tá Võ Văn Binh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh Bình Định), cho rằng việc không nắm rõ những quy định của nhà nước, cho nên người dân cứ vô tư vi phạm, gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị và ATGT là điều rất đáng ngại.

Theo trung tá Ngô Đức Hoài, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân không lấn đường. Mặt khác, tại các đợt họp thôn, tổ dân phố, người phụ trách cần tuyên truyền, vận động các gia đình có nhà cửa chật hẹp hoặc không có điều kiện thuê nhà hàng để tổ chức hiếu hỉ thì nên tận dụng những khoảng đất trống ở địa phương để tổ chức, thay vì trưng dựng rạp dưới lòng đường. Các đoàn thể xã hội cần tuyên truyền cho người dân nên đưa người chết ra nhà tang lễ công cộng để làm đám tang nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn do phải dùng lòng, lề đường nếu điều kiện nơi ở còn chật chội.

Trung tá Võ Văn Binh, yêu cầu: “Quy định quản lý, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường đô thị ngoài mục đích giao thông tại tỉnh Bình Định đã có. Do đó, trước khi cấp phép cho hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường, địa phương cần khảo sát xem vị trí đó có ảnh hưởng tới giao thông hay không. Quá trình dựng rạp, địa phương cần nhắc nhở hộ gia đình bố trí các biện pháp đảm bảo ATGT như biển báo, đèn báo hiệu. Hộ nào cố tình vi phạm chính quyền cần kiên quyết xử lý”, trung tá Binh chia sẻ.

Ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định, cho biết thêm: Theo quy định cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đô thị ngoài mục đích giao thông như tổ chức cưới hỏi, việc tang do chính quyền cấp cơ sở thực hiện. Việc xử lý các trường hợp vi phạm thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để có giải pháp căn cơ lâu dài hạn chế tình trạng vi phạm cũng cần phải có thời gian. Muốn làm được thì tất cả các tuyến đường đều phải có vỉa hè; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, ma chay nên được đẩy mạnh.

Như Quỳnh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/dung-rap-ma-chay-hieu-hi-duoi-long-le-duong-rap-rinh-noi-lo-tai-nan-1268361.html