Đừng quên… sông

Cuối tuần qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Thường Nhật tổ chức lễ công bố vận hành đưa vào khai thác dự án tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông).

Trước đó, ngày 21/8/2017, tuyến buýt này đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm, với 12 điểm đón, trả khách. Lộ trình xuất phát từ bến Bạch Đằng quận 1 đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông quận Thủ Đức có chiều dài toàn tuyến là 10,8km, thời gian hành trình của mỗi tuyến khoảng 30 phút, thời gian cập bến đón - trả khách giới hạn trong khoảng 3-5 phút.

Tuyến buýt đường sông số 1 sẽ có 5 tàu buýt (mỗi tàu 70-75 chỗ) hoạt động. Trong đó, 4 tàu sẽ vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Một ngày có 12 chuyến hoạt động từ 6 giờ 30 đến 19 giờ 30 hàng ngày. Trong khi tình hình ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại TP.HCM ngày càng gia tăng, vận tải hành khách dựa vào xe buýt, taxi hiện mới chiếm 10% (đến 2020 dự kiến đạt 20%; trong đó, xe buýt và taxi chiếm từ 10-17%) thì đường thủy nội địa, với tổng cộng hơn 1.000 km, được kỳ vọng trở thành giải pháp bổ sung quan trọng.

Dù còn mới mẻ tại Việt Nam, nhưng mô hình buýt sông đã hình thành, tồn tại và phát triển từ rất lâu ở trên thế giới, nhất là ở các đô thị sông nước. Tại Anh, dịch vụ xe bus chạy dưới nước có tên London Duck Tours, sử dụng những mẫu xe buýt hình chú vịt, chạy trên sông Thames. Giá vé sử dụng dịch vụ này (cho một hành trình có tổng thời gian di chuyển khoảng 75 phút) được chia làm nhiều loại, vé trẻ em là 16 bảng Anh, vé dành cho người lớn 24 bảng Anh và loại vé dành cho gia đình 70 bảng Anh.

Một số thành phố khác trên thế giới - như Budapest của Hungary – thì sử dụng loại buýt “lai”, có thể chạy cả trên cạn và dưới nước. Còn ở Venice (Ý) thì buýt đường sông (Water Bus) gần như là lựa chọn hàng đầu, thậm chí là bắt buộc trong một số trường hợp. Vaporetto (tên gọi của buýt đường thủy trong tiếng Ý) gồm tới 19 tuyến di chuyển trong nội ô thành phố Venice cũng như đến các địa điểm lân cận rất thuận tiện. Giá cả được coi là cũng phải chăng: Vé đơn cho một lượt đi vaporetto là 7 Euro sử dụng trong 1 tiếng, nếu di chuyển nhiều hay muốn đến thăm nhiều địa điểm trong ngày thì có vé liên tuyến với giá 18 Euro cho 12 giờ di chuyển, 20 Euro cho 24 giờ di chuyển… Tuy nhiên, lịch trình và tuyến đường của các vaporetto thay đổi theo mùa.

Hy vọng người dân TP.HCM và tới đây là nhiều đô thị khác sẽ nhanh chóng làm quen và được hưởng những tiện ích từ loại hình giao thông công cộng này. Dường như chúng ta đã quên mất rằng mình có sông – một loại “đường” tự nhiên, sẵn có, chi phí đầu tư để khai thác nhỏ hơn rất nhiều so với đường sắt hay đường bộ.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dung-quen%E2%80%A6-song.aspx