Dùng phải nước nhiễm dầu thải, người dân có thể khởi kiện DN cung cấp nước?

Liên quan đến việc nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải khiến cả triệu người dân Thủ đô khốn khổ nhiều ngày. Theo luật sư, cơ sở pháp lý, yêu cầu bồi thường trong trường hợp này là có, còn nếu kiện thì không khả thi.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Khi bán nước bẩn thì rõ ràng quy định của pháp luật đều có và có thể xem xét xử lý. Chẳng hạn thuốc giả thì đi tù và với nước bẩn cung cấp như vậy cũng có thể đi tù. Tuy nhiên, việc này phải chờ cơ quan pháp luật xem xét cụ thể.

Ngoài ra, dư luận nhiều ngày nay cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân phải sử dụng nước sinh hoạt nhiễm dầu thải nhiều ngày thì có thể khởi kiện.

Sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, người dân có thể khởi kiện không và nếu khởi kiện thì người dân sẽ kiện theo quy định, hình thức nào? (Ảnh: LĐO)

Sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, người dân có thể khởi kiện không và nếu khởi kiện thì người dân sẽ kiện theo quy định, hình thức nào? (Ảnh: LĐO)

Vậy, người dân có thể khởi kiện không và nếu khởi kiện thì người dân sẽ kiện theo quy định, hình thức nào?

Tại tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” diễn ra vào sáng 23/10, Luật sư Trương Xuân Hải, Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết, người sử dụng nước là khách hàng của công ty và quyền của khách hàng được quy định tại điều 56, Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; trong đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Luật sư Trương Xuân Hải, Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, cơ sở pháp lý, yêu cầu bồi thường là có, còn nếu kiện thì không khả thi....

“Cơ sở pháp lý, yêu cầu bồi thường là có, còn nếu kiện theo ý của Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì không khả thi. Về nguyên tắc bồi thường, thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu, lỗi của Công ty CP nước sông Đà (Viwasupco) bao nhiêu thì phải chịu bấy nhiêu, lỗi của đối tượng đổ dầu xuống nguồn nước bao nhiêu. Hiện chưa có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người dân gửi đơn ra tòa thì cũng khó có tòa án nào nhận đơn, còn nếu đã nhận thì cũng phải chờ kết quả vụ án mới giải quyết được”, Luật sư Hải nói.

Trả lời câu hỏi ai và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm sau sự cố nước sông Đà?

Tiến sĩ, luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Luật LT và Cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội); Giảng viên Học Viện hành chính Quốc gia khẳng định: “Xét về quy định pháp luật hiện hành, đơn vị cấp nước ký hợp đồng với người dân phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nhà nước cũng phải có trách nhiệm đảm bảo cho người dân về cung cấp dịch vụ thiết yếu. Theo Nghị định 117, chính quyền địa phương ký hợp đồng đầu tiên với đơn vị cấp nước thì phải lựa chọn đơn vị cấp nước đảm bảo chất lượng cho người dân.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, UBND các địa phương không thể đứng ngoài cuộc được mà phải chịu trách nhiệm liên đới trong vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải.

“Do đó, ở trường hợp này coi như Nhà nước đã ủy quyền cho đơn vị cấp nước để cấp nước cho người dân. Vì vậy, trách nhiệm chính là nhà nước chứ không phải đơn vị cấp nước; còn UBND các cấp có trách nhiệm liên đới để đền bù thiệt hại cho người dân, chứ không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp”, LS Tính nói.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) đánh giá, về chức năng quản lý nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của các bên.

Cụ thể, trong Nghị định 117 đã phân vai rõ ràng: Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về sức khỏe của nhân dân thì ban hành các quy chuẩn...

Đối với việc bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ngoài ra, các địa phương, UBND cấp tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và nước. Như vậy, việc bảo vệ nguồn nước liên tỉnh thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng bảo vệ nguồn nước nội tỉnh thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Trong sự cố nước sông Đà này, UBND các địa phương không thể đứng ngoài cuộc được mà phải chịu trách nhiệm liên đới; còn đơn vị cấp nước là đơn vị đã trực tiếp cung cấp cho người dân sản phẩm nước không đạt yêu cầu thì sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến khẳng định.

Minh Thư

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dung-phai-nuoc-nhiem-dau-thai-nguoi-dan-co-the-khoi-kien-dn-cung-cap-nuoc-post317802.info