Dùng ô tô quảng cáo 'nhức mắt', tài xế bị giữ bằng lái

Những hình ảnh quảng cáo được phủ kín mít chiếc ô tô lớn hàng ngày diễu qua nhiều tuyến phố Hà Nội đang làm dấy lên những dấu hỏi về hoạt động quảng cáo của nhãn hàng này theo quy định.

Xe khách 29B-409.28 in kín mít quảng cáo xung quanh xe (Ảnh chụp ngày 7/12 trên đường Láng, Hà Nội)

Xe khách 29B-409.28 in kín mít quảng cáo xung quanh xe (Ảnh chụp ngày 7/12 trên đường Láng, Hà Nội)

Nhiều ngày nay, trên các tuyến đường như: Sơn Tây, Láng, Láng Hạ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng... (Hà Nội), hai chiếc ôtô chở khách lần lượt mang biển kiểm soát 29B-409.28 và 34B-029.62 phủ kín quảng cáo của một sàn thương mại điện tử di chuyển. Theo quan sát, toàn bộ 2 bên thành, trên nóc và phía sau ô tô này đều phủ hình quảng cáo một chương trình khuyến mãi của sàn thương mại điện tử này.

Chiếc xe này thường xuyên di chuyển với tốc độ "rùa bò" trong giờ cao điểm và thấp điểm, làm gia tăng thêm áp lực giao thông. Dù xe được dán phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng bên trong không có khách. Từ nguồn tin PV Tạp chí GTVT cung cấp, sáng 7/12, tại ngã ba đường Láng - Láng Hạ, cán bộ Đội CSGT số 3 đã tiến hành kiểm tra và tạm giữ giấy phép lái xe mang tên Quách Văn Mẫn (Hưng Yên) với hành vi Quảng cáo vượt quá diện tích các mặt trên phương tiện; đồng thời yêu cầu buộc dỡ bỏ quảng cáo.

Bàn về cách quảng cáo thiếu tế nhị này, chuyên gia thương hiệu Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, không thể nói đơn vị có sản phẩm quảng cáo không biết đến việc sản phẩm của mình được xuất hiện trên phương tiện này. Bởi vậy nếu biết mà vẫn cố tình để hình ảnh quảng cáo "làm phiền" người khác thì doanh nghiệp đã lựa chọn cách truyền thông thiếu khôn ngoan. Đối với hoạt động quảng cáo, cần tiếp cận công chúng bằng một hình thức ấn tượng nhưng lịch sự, thay vì phô tất cả để đập vào mắt người xem".

Về quy định trong hoạt động quảng cáo đối với loại hình này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực tế việc thông tin quảng cáo trên xe ô tô khá phổ biến. Luật Quảng cáo cho phép quảng cáo trên xe ô tô, với yêu cầu tuân thủ quy định về cách thức quảng cáo trên phương tiện giao thông.

Một số quy định cụ thể như: không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện; sản phẩm không vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt được phép quảng cáo… Ngoài ra, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn phương tiện hay gây nguy cơ mất ATGT như: che khuất hoàn toàn tầm nhìn kính xe, làm mất khả năng thoát hiểm qua cửa kính xe.

Khi đăng kiểm định kỳ xe ô tô tham gia giao thông, các trung tâm đăng kiểm sẽ đánh giá về thực tế cách thức thông tin quảng cáo trên phương tiện, nếu đánh giá không đảm bảo an toàn khi phương tiện lưu thông sẽ không cấp chứng nhận kiểm định.

Về trường hợp cụ thể liên quan đến chiếc xe biển số 29B-409.28 dán kín mít quảng cáo trên xe, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, phương tiện trên không đủ điều kiện để được cấp chứng nhận kiểm định để tham gia giao thông.

“Qua kiểm tra dữ liệu đăng kiểm cho thấy, phương tiện trên là xe khách, đăng ký tên cá nhân, có địa chỉ tại Hà Nội, được một trung tâm đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm đến 12/2020. Hình ảnh lưu trữ thể hiện, tại thời điểm đăng kiểm, chiếc xe trên có màu sơn nguyên bản của nhà sản xuất và không dán thông tin quảng cáo nào trên thân xe.

Như vậy, sau khi được cấp chứng nhận đăng kiểm, có thể chủ phương tiện đã tự ý dán thông tin quảng cáo lên xe. Phương tiện trên khi vào đăng kiểm định kỳ tiếp theo sẽ không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Ngoài ra, khi lưu thông trên đường sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt do lỗi thay đổi màu sơn hoặc vi phạm quy định về quảng cáo”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm.

Được biết, theo quy định tại Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi tự ý thay đổi màu sơn xe so với màu ghi trong giấy đăng ký xe bị phạt 300.000 - 400.000 đồng (đối với cá nhân), 600.000 - 800.000 đồng (đối với tổ chức).

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, hình thức quảng cáo phủ kín xe khách và tràn kính xe buýt nở rộ gần đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, với các xe quảng cáo dán kín kính phía sau sẽ che tầm quan sát của gương chiếu hậu. Ngoài ra, theo vị này, việc quảng cáo trên kính sẽ hạn chế tầm nhìn, khiến cho hành khách phía trong không quan sát, phán đoán được tình hình phía ngoài xe để có phản ứng phù hợp. Đặc biệt, khi xe ôtô xảy ra tai nạn, nếu chất liệu quảng cáo không đảm bảo, hành khách sẽ không thể đập vỡ kính để thoát hiểm.

Nhóm PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/dung-o-to-quang-cao-nhuc-mat-tai-xe-bi-giu-bang-lai-d89474.html