Đừng nói đến cưới xin, giới trẻ Hàn thời nay còn không thèm hẹn hò

Trong khi các bậc phụ huynh mong ngóng từng ngày đến lúc con cái được ''yên bề gia thất', người trẻ hiện đại lại có suy nghĩ hoàn toàn khác.

Từ xưa, các bậc cha ông đã cho rằng cưới xin là chuyện rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Thế nhưng, vì nhiều lý do, kết hôn hay thậm chí hẹn hò, không còn là việc giới trẻ đặt lên hàng đầu. Điều này dẫn đến mối lo về sự già hóa dân số, thảm họa "tuyệt chủng" giống loài khi những em bé ít được ra đời.

Và Hàn Quốc chính là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề chưa có lời giải này.

Một cô dâu Hàn Quốc ngáp dài trong buổi đám cưới tập thể tại Gapyeong. Ảnh: AP.

Một cô dâu Hàn Quốc ngáp dài trong buổi đám cưới tập thể tại Gapyeong. Ảnh: AP.

Từ khi nào chuyện yêu đương trở nên nhàm chán đến vậy?

Lý do đầu tiên có lẽ phải kể đến những câu hỏi lặp đi lặp lại, dai dẳng đến từ các bậc cha mẹ, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí những người xa lạ.

Một người đàn ông 34 tuổi sống tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) trả lời phỏng vấn của SCMP: "Cha mẹ tôi luôn khiến tôi cảm thấy áp lực (về chuyện kết hôn) mỗi khi tôi trở về nhà thăm họ".

Anh cho biết ban đầu, họ chỉ muốn đùa giỡn, song đến cuối cuộc trò chuyện, mọi thứ dần bị đẩy đi quá xa.

Một người phụ nữ 32 tuổi cũng sinh sống tại Seoul kể câu chuyện tương tự: "Dù là trong lần đầu gặp mặt, mọi người sẽ không ngại ngần hỏi tôi tại sao không kết hôn. Người có tuổi ở Hàn Quốc thường thích đặt những câu hỏi như thế".

Thực tế ở Hàn Quốc cho thấy giới trẻ nước này không còn hứng thú với chuyện kết hôn. Thậm chí, họ còn "mắc bệnh ngại yêu đương".

Độc thân là xu hướng mới của giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh: SBS.

Chủ nghĩa độc thân thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Điều này không quá khó hiểu khi áp vào tình trạng thực tế tại Hàn Quốc.

"Nhiều phụ nữ đã nhận ra sự bất công mà họ phải gánh chịu khi trở thành người có gia đình", một cô gái người Hàn (32 tuổi) nói.

Cô ám chỉ sự bất bình đẳng giới tính trong xã hội Hàn Quốc. Ở đây, khi phụ nữ kết hôn, đồng nghĩa với việc sự nghiệp của họ buộc phải chấm dứt để trở thành bà nội trợ, chăm lo cho gia đình.

Vì lý do đó, nhiều phụ nữ thà đơn độc cả đời, không sinh con đẻ cái để có thể sống một cuộc đời như mong muốn còn hơn "tự buộc mình" vào cái gọi là gia đình.

Sức nặng của câu nói 'Anh/em đồng ý'

Việc có một mái ấm gia đình hạnh phúc, đầy đủ dường như trở nên xa xỉ đối với những người đang phải chật vật tìm kiếm việc làm. Vài người trẻ Hàn không thể tưởng tượng đến viễn cảnh nuôi người khác, bởi chính họ còn không lo nổi cho mình.

Đồng ý trở thành gia đình của ai đó, không phải chỉ đơn giản là yêu thương họ, mà còn có nghĩa phải có trách nhiệm với cuộc sống của họ. Đó là sức nặng đằng sau câu nói "Anh/em đồng ý" ngắn gọn kia.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến tình yêu của người Hàn nông cạn dần. Ảnh: ibtimes.

Chi tiết nhỏ nhặt như sính lễ cưới cũng khiến người trẻ Hàn lo lắng không ít. Chi phí cưới xin trung bình của các cặp ở Hàn Quốc lên tới 90.000 USD (bao gồm tiền tiệc cưới, quà cưới, chụp ảnh cưới và một số khoản cần thiết khác).

Xã hội đồng tiền biến lễ nghi đơn giản trở thành cách để phô diễn sự giàu có và quyền lực. Thực tế, nhiều gia đình Hàn Quốc vẫn còn coi trọng chuyện "môn đăng hộ đối" hay nhiều, ít sính lễ.

Một cô gái Australia gả cho chồng Hàn cho hay: "Nếu gia đình nhà chồng có chút danh tiếng hoặc người chồng là bác sĩ, họ sẽ mong muốn nhận được sính lễ từ nhà gái có giá trị lớn hơn bình thường. Họ cho rằng như thế mới xứng đáng với địa vị xã hội của gia đình mình".

Những con số biết nói

Đầu năm 2012, Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố thống kê cho thấy ít hơn 40% số người trẻ thuộc độ tuổi 20-40 đang thực sự hẹn hò. Những con số đáng báo động không chỉ dừng lại ở năm 2012.

Năm 2015, theo Korea Herald, 90% đàn ông và 75% phụ nữ ở độ tuổi 25-29 vẫn chưa kết hôn. Ở đội tuổi 30-34, con số này dừng lại ở 56%. So với một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, số liệu của Hàn Quốc có sự chênh lệch khá lớn.

Đám cưới tập thể tại Hàn Quốc. Ảnh: SCMP.

Tỷ lệ sinh con của người dân xứ sở kim chi cũng thuộc top thấp nhất thế giới - chỉ 0,95% vào năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 phụ nữ, chỉ 95 đứa trẻ được chào đời. Để cân bằng lại tỷ suất sinh, Hàn Quốc cần đến 2,1% nữa.

Con số này cho thấy tình hình khác hoàn toàn giai đoạn những năm 70 khi có gần một triệu em bé được sinh ra mỗi năm. Tuy vậy, đến năm 2017, Hàn Quốc chỉ đón thêm 357.700 thiên thần nhí.

Muốn nhiều em bé Hàn Quốc được chào đời, Chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra những biện pháp rõ ràng, hợp lý. Đó sẽ là chặng đường dài, gian nan nhưng chắc chắn một trong những bước đầu tiên phải là giải quyết vấn đề việc làm và xóa bỏ nạn phân biệt giới tính.

Khánh Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dung-noi-den-cuoi-xin-gioi-tre-han-thoi-nay-con-khong-them-hen-ho-post910794.html