Đừng nhân danh khoa học!

Chuyện về 10 con bò tót lai béo tốt, sau 6 năm được nghiên cứu từ các 'nhà khoa học' thuộc hai Sở KH-CN Ninh Thuận và Lâm Đồng, giờ chỉ còn trơ cái khung, bày cả xương sườn, xương sống đã làm nóng các trang báo và mạng xã hội từ mấy ngày qua.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Thật khó để lý giải vì sao, ở một vùng đệm của vườn quốc gia như Phước Bình (Ninh Thuận), với thảm thực vật vô cùng phong phú mà đàn bò phải chịu cảnh thảm thương như vậy. Chỉ có thể trả lời rằng, thói vô cảm của những người nhân danh “nghiên cứu khoa học” là thủ phạm đẩy đàn bò đến cửa tử như thế mà thôi.

Nếu là một người bình thường, nhìn cảnh tượng của đàn bò đã không đặng cầm lòng, huống chi là những người khoác áo “nhà khoa học”. Nhân danh khoa học để làm một việc như thế, chỉ có ở những kẻ vô cảm, không có trái tim.

Thật quá đỗi xót xa khi chứng kiến những con bò như muốn ngã khuỵu trong một không gian tù đọng và phải nhai rơm khô hết ngày nọ qua tháng kia như thế! Từ những con bò tót lai tươi tắn mập mạp, bỗng trở thành đối tượng nghiên cứu và rồi mang kết cục bi thương thế này, quả là điều khó tin.

Đấy là hệ quả của câu chuyện muôn thuở: Núp bóng nghiên cứu khoa học để moi tiền ngân sách một cách hợp pháp. Bò thì ngày một gầy đi, còn những người “nghiên cứu bò” thì ngày một béo lên từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân đóng thuế.

Nhìn những con bò tót trơ xương đang như bị cầm tù ở Vườn quốc gia Phước Bình, chợt nhớ đến trại trâu ông Hồ Giáo ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi từ nhiều chục năm trước.

Sau 40 năm tham gia cách mạng làm đủ thứ việc, ông Hồ Giáo trở về quê nhà Quảng Ngãi với một sứ mệnh đặc biệt. Đó là bảo vệ nguồn gien từ những con trâu Mura - món quà mà Chính phủ Ấn Độ đã tặng cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người mà ông Hồ Giáo luôn xem như người cha của mình.

Ông Hồ Giáo chỉ học đến mức đọc được báo chứ không có học hàm học vị giáo sư hay tiến sĩ gì. Ông nuôi đàn trâu Mura trên 10 con ấy cũng chả phải để “nghiên cứu khoa học” gì cả. Ông Giáo chỉ biết nuôi và chăm những con vật đã trở nên thân thiết của nhà nông từ ngàn đời nay. Vậy thôi.

Là người đã nhiều lần ghé thăm trại trâu ông Hồ Giáo, tôi thấy những con trâu Mura ở trại trâu này hung dữ chả kém gì đàn bò tót ở Phước Bình nếu chúng thấy người lạ ghé thăm. Ấy thế mà, đối với ông Hồ Giáo, những con trâu nặng ngót nghét một tấn ấy bỗng trở thành những con mèo trên tay ông!

Vì sao như thế? Vì ông Giáo đã đặt trọn tình yêu thương của mình vào đàn trâu ấy. Đến mức, chúng ùa ra như một bầy trẻ nhỏ để mừng ông nếu như ông đi đâu đó vài hôm không về với chúng. Phải có một tình yêu thương và trách nhiệm với công việc như thế thì mới có thể thuần hóa được đàn trâu hung dữ ấy.

Nên nhớ, ông Hồ Giáo chỉ nhận 300 nghìn đồng thù lao mỗi tháng - thời điểm những năm 2000 - 2005 cho việc nuôi trâu ấy. Nếu 5 tỉ đồng của các “nhà khoa học” ở Ninh Thuận và Lâm Đồng mà giao cho Hồ Giáo, chắc chắn đàn bò tót không phải như chúng ta đang chứng kiến!

Dẫn ra chuyện Hồ Giáo nuôi trâu, chỉ muốn nói một điều rằng, nghiên cứu hay nhân danh bất cứ điều gì tốt đẹp đi nữa thì cuối cùng, cái đích của khoa học hoàn toàn không có bóng dáng của những kẻ cơ hội và tham lam như câu chuyện nuôi bò tót ở Phước Bình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/dung-nhan-danh-khoa-hoc-YNQ2OPKGR.html