Đứng, ngồi la liệt tại điểm cà phê đường sắt, nhỡ tàu trật bánh bất ngờ...

Nếu xảy ra trật bánh tàu bất ngờ, chưa cần đến đổ tàu, chỉ cần chệch ra khỏi đường ray thì với khoảng cách hẹp như vậy, sẽ rất nguy hiểm...

Những hoạt động của du khách quay phim, chụp ảnh, uống cà phê trên hành lang đường tàu rất nguy hiểm, nguy cơ tai nạn tàu va cao

Những hoạt động của du khách quay phim, chụp ảnh, uống cà phê trên hành lang đường tàu rất nguy hiểm, nguy cơ tai nạn tàu va cao

Đe dọa nghiêm trọng an toàn đường sắt

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn, trong đó ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Trước đề nghị này của Bộ GTVT, đa số ý kiến đồng tình. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, tuy đây không phải là điểm tham quan, du lịch trong quy hoạch của Hà Nội, mà hoàn toàn tự phát nhưng lại rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, không nên giải tán, thay vào đó có giải pháp cho tồn tại, đảm bảo an toàn cho du khách.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải - đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt trên tuyến cho biết, từ năm 2017 khu vực đường sắt từ đường ngang Khâm Thiên đến đường ngang Nhà Dầu và từ ga Hà Nội lên cầu Long Biên phát sinh tình trạng nhiều khách du lịch quay phim, chụp ảnh khu vực đường tàu; kéo theo đó là hàng quán mọc sát đường sắt ngày càng đông, dẫn đến phức tạp về trật tự, an toàn đường sắt. Trong khi đó, hai bên nhà dân chỉ cách mép ray ngoài cùng từ 1,8m đến 2,3m, khi tàu chạy qua khoảng không còn lại rất ít, vì vậy đe dọa nghiêm trọng mất ATGT, nguy cơ tàu đâm va người rất cao.

“Có người cho rằng, giờ tàu qua, người dân ở đây nắm rõ, sẽ cảnh báo du khách. Còn có cả cảnh báo bằng chuông đèn của đường ngang gần đó. Nhưng không phải lúc nào việc cảnh báo này cũng chính xác 100% giờ tàu qua đoạn này để các hàng quán dọn đi hay cảnh báo du khách. Thực tế đã có vụ tai nạn tàu va phải khách nước ngoài tại đây, rất may nạn nhân chỉ bị thương nhẹ”, ông Trung nói.

Nhỡ xảy ra trật bánh tàu bất ngờ

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cũng cho biết, việc du khách đi lại xung quanh đường tàu không chỉ đe dọa mất an toàn khi có tàu chạy qua mà còn gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt. Công nhân đường sắt thường xuyên phải thay tà vẹt, đào rãnh, chèn đá, phải huy động cả máy móc, dụng cụ để thi công. Trong khi hàng quán, bàn ghế, người ngồi la liệt trên hành lang đường sắt, trên đường ray, rất khó thực hiện tác nghiệp.

"Các hoạt động du lịch, hàng quán này cũng ảnh hưởng đến kết cấu đường sắt như trượt đá, rãnh thoát nước bị tắc… Nhân viên tuần đường hàng ngày đi kiểm tra, phát hiện các hỏng hóc, sự cố hạ tầng đường sắt hay chướng ngại trên đường sắt cũng rất vướng, khó khăn", ông Hoạch nêu.

Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại khu vực này. Hoặc nhỡ xảy ra trật bánh tàu bất ngờ, chưa cần đến đổ tàu, chỉ cần chệch ra khỏi đường ray thì với khoảng cách hẹp như vậy, sẽ rất nguy hiểm cho người đang đứng quay phim, chụp ảnh cạnh đó.

"Không ai nói không được kinh doanh, nhưng không thể kinh doanh trên hành lang chạy tàu. Luật đã quy định rồi. Còn nếu muốn làm du lịch tại khu vực này, TP Hà Nội phải có quy hoạch, phải đề xuất phương án, có ý kiến của cơ quan chuyên môn và ngành giao thông, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt", ông Hoạch nói.

Ông Hoạch cho biết thêm, Hà Nội đang tiến hành đục vòm cầu dẫn đường sắt ở Phùng Hưng và tân trang lại cầu dẫn cầu Long Biên phía Hà Nội để làm điểm văn hóa, du lịch. Ga Long Biên cũng đã được ngành Đường sắt cải tạo theo phong cách kiến trúc tân cổ điển xu hướng Pháp, tạo hình ảnh đẹp trong chuỗi điểm đến khu vực này.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dung-ngoi-la-liet-tai-diem-ca-phe-duong-sat-nho-tau-trat-banh-bat-ngo-d437264.html