'Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết'

Ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh Hà Nội đặt chỉ tiêu 90% trẻ mầm non, tiểu học tham gia để phấn đấu.

Tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 25/9, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông tin về Đề án Chương trình Sữa học đường triển khai trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020.

Tại cuộc họp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu câu hỏi với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xung quanh việc triển khai Đề án.

Ông Phạm Xuân Tiến trả lời tại cuộc họp. Ảnh: Đỗ Thơm

Mục tiêu Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 là:

"Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai."

1. Tại sao mục tiêu Đề án của Chính phủ rõ ràng như vậy, Hà Nội lại triển khai đại trà, vì rất nhiều gia đình ở thủ đô vẫn cho con uống sữa hàng ngày, nhiều trường bán trú vẫn cho học sinh uống sữa?

2. Nếu phụ huynh tự nguyện, cơ sở nào Hà Nội đặt chỉ tiêu trên 90% trẻ mẫu giáo, tiểu học tham gia?

3. Với lực lượng ban chỉ đạo hùng hậu như vậy, liệu có gây sức ép lên nhà trường và giáo viên buộc phải hoàn thành chỉ tiêu hay không?

Ngoài câu hỏi của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, rất nhiều nhà báo cũng đã đặt câu hỏi liên quan đến việc triển khai Đề án.

Ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh rằng:

"Sở quán triệt tinh thần tự nguyện nhưng rất có thể tam sao thất bản.

Việc truyền đạt thông tin từ hiệu trưởng đến với giáo viên, phụ huynh lại thành bắt buộc.

Cũng có nhiều phụ huynh gia đình có điều kiện cho con họ uống sữa ngoại.

Con các vị có thể uống sữa Mỹ, sữa Úc nhưng chưa chắc đã có thành phần dinh dưỡng mà người Việt Nam cần.

Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết… Vì sữa này có bổ sung thêm các chất cần thiết cho trẻ Việt Nam như canxi, sắt, vitamin D…”, ông Tiến nói.

Về hãng sữa nào sẽ được chọn, ông Tiến cho biết, Sở mới phát hành hồ sơ thầu, ngày 1/10 mới đóng thầu. Lúc đó, mới có kết quả cụ thể.

“Chúng tôi tin chắc phải là các hãng sữa lớn mới đảm nhận được chương trình. Bởi một ngày, nếu 90% học sinh tham gia thì phải một triệu hộp sữa/ngày.

Chắc chắn đó phải là các hãng sữa lớn mà các hãng sữa lớn, họ rất quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm.

Vì nếu có trường hợp bị làm sao, hãng sữa sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hãng sữa nào phải chờ kết quả thì mới thông tin được”, ông Tiến nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng:

Chưa biết sẽ cho trẻ uống sữa gì, sao Hà Nội bảo phụ huynh đăng ký mua?

“Sữa học đường thì phải được uống ở trường. Nếu đem về nhà, trẻ vứt vào thùng rác thì sao?

Trẻ hoàn toàn có thể đem vỏ sữa về để bố mẹ biết thành phần, hạn sử dụng, có nhãn mác, tem riêng.

Giáo viên thậm chí phải uống sữa trước các cháu vì nếu có bị gì, các cô bị trước."

Ông Tiến thông tin thêm, nhà sản xuất nào cung cấp sữa phải đảm bảo. Phụ huynh có quyền kiểm tra sữa đó.

Trước lo ngại về sữa cận hạn sử dụng hoặc hết hạn sử dụng, ông Tiến cho rằng:

"Mỗi ngày trên 1 triệu hộp sữa thì làm gì có sữa tồn? Với các trường lớn, chúng tôi còn yêu cầu cung cấp sữa từng ngày.

Trước các thông tin hãng sữa hỗ trợ 20% chỉ bằng mức chiết khấu cho các đại lý bán sữa bên ngoài, ông Tiến phân tích, trong hồ sơ mời thầu, hãng sữa phải cung cấp đến tận tay người tiêu dùng, rồi xử lý rác...

Sữa được đưa đến trường, nhập kho, giáo viên phải quản lý việc uống sữa học sinh, hướng dẫn các em học sinh cách xử lý, ép vỏ sữa ra sao...

“Ví dụ như một trường tiểu học ở Hà Nội có số học sinh lớp 1 kỷ lục. Trường này có hơn 4.000 học sinh. Với 4.000 vỏ hộp sữa xả ra một ngày nếu không xử lý thì rác bay ngập trường. Việc xử lý rác rất quan trọng.

Chúng tôi phải tập huấn giáo viên cách ép, đóng. Sau đó hãng sữa đến thu gom và xử lý. Chứ không phải như đại lý bê sữa vào cửa hàng là xong”, ông Tiến nói.

Trả lời tại cuộc giao ban, ông Tiến một mực khẳng định:

"Chúng tôi triển khai bằng văn bản, triển khai đến các trường hoàn toàn tự nguyện.

Chúng tôi còn thông tin thêm nếu các cháu đã đăng ký sau thấy không có nhu cầu có thể dừng. Không có chuyện ép buộc thi đua trong đăng ký sữa học đường.

Có trường uống sữa rồi, chúng tôi vẫn thông tin. Trường và học sinh phụ huynh tự trao đổi với nhau xem có cần uống sữa học đường không.

Nhưng bằng kinh nghiệm của tôi, con tôi cao 1m85, uống sữa nhiều rất tốt.

Vì thế, nếu phụ huynh và nhà trường thống nhất có nhu cầu đăng ký thêm cũng không sao cả. Không ép buộc, đánh giá ai cả.

Các em không uống được sữa mà bắt các em uống sữa là không được.

Khi chấm thầu xong, có quyết định của thành phố về đơn vị trúng thầu sẽ có cuộc họp báo công khai."

Về chỉ tiêu Sở đặt ra là 90% trẻ mầm non, tiểu học tham gia Đề án, ông Tiến trả lời:

"Trong quyết định 1340 của Thủ tướng phấn đấu 70% nên Hà Nội phấn đấu đạt 90%.

Dù là tự nguyện nhưng phải phấn đấu vì rất nhiều người không hiểu nên phải tuyên truyền để cho người ta đăng ký.

Việc phấn đấu mong các nhà báo truyên truyền để phụ huynh tham gia", ông Tiến nêu.

Có nhà báo hỏi là Hà Nội làm gì để các trường không ép buộc phụ huynh?

Ông Tiến muốn nhờ nhà báo giúp để tuyên tuyền đến các hiệu trưởng, giáo viên rằng Sở chỉ đạo văn bản là tinh thần tự nguyện chứ không ép buộc ai tham gia chương trình.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dung-nghi-nha-toi-giau-co-uong-gi-loai-sua-day-nham-het-post191184.gd