Đừng nghe những gì phương Tây nói!

Anh bán vũ khí cho các nước trong danh sách cấm của chính mình, trong khi Mỹ cấm châu Âu mua khí đốt Nga nhưng lại nhập dầu thô Nga.

Anh bán vũ khí cho các nước trong danh sách cấm

“London bị bắt quả tang bán vũ khí cho các nước trong danh sách cấm của chính mình” – đây là bí mật động trời được phanh phui từ chính các phương tiện truyền thông của Anh.

Tờ báo Anh “Người bảo vệ” (The Guardian) dẫn nguồn là một báo cáo từ nhóm “Chống bạo lực vũ trang” cho hay, Chính phủ Anh cho phép bán vũ khí cho hầu hết các quốc gia trong danh sách cấm không chỉ của Liên Hiệp Quốc mà còn do chính London đưa ra.

Theo đó, các thỏa thuận được ký kết chính thức theo luật pháp với các quốc gia nơi nhân quyền bị vi phạm, liên quan đến 80 phần trăm tất cả các quốc gia bị cấm vận.

Các chuyên gia của nhóm đã phân tích các chuyến hàng đến 73 quốc gia mà Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt. Sự thật bị phơi bày khi có tới 58 nước trong danh sách này đã nhận được vũ khí và thiết bị quân sự của Anh.

Hơn nữa, 5 quốc gia trong danh sách này - Bahrain, Bangladesh, Colombia, Ai Cập và Saudi Arabia lại là “những đối tác quan trọng” trong ngành công nghiệp quốc phòng của Anh; trong khi, chính quyền của tất cả các quốc gia này đều bị London cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Báo cáo đưa ra các ví dụ cụ thể về hợp tác như: Anh đã bán cho Pakistan khiên cảnh sát, súng bắn tỉa và các bộ phận máy bay, mặc dù Bộ Ngoại giao nước này cảnh báo Pakistan về việc gây áp lực lên xã hội dân sự.

Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của không quân Saudi Arabia

Máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của không quân Saudi Arabia

Tổ hợp công nghiệp-quân sự của Anh đã cung cấp cho Kenya súng máy, cho Nigeria với các loại vũ khí nhỏ, trong khi ở cả hai nước này đang diễn ra các vụ quấy rối phi pháp, tra tấn và giết hại hàng chục người trái pháp luật.

Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây là một "thất bại có hệ thống trong việc xem xét tình hình nhân quyền ở một quốc gia trước khi bán vũ khí cho quốc gia đó”. Đồng thời, nhóm điều tra lưu ý rằng, việc ký kết các hợp đồng mua bán vũ khí được giấu kín trước công chúng và không được quảng cáo.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn của giới truyền thông, các quan chức chính phủ Anh đã phủ nhận tất cả các cáo buộc này.

Trong tuần qua, luận điểm “đừng nghe những gì phương Tây nói” đã được chứng minh là chân lý, khi một học giả Đức đã vạch trần sự đạo đức giả của Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga với Liên minh châu Âu.

Mỹ chặn khí đốt châu Âu nhưng lại nhập dầu Nga

Hôm 27/01, bình luận về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án dự án xây dựng tuyến đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc - 2”, ông Theo Sommer, cựu Tổng biên tập tờ báo Đức nổi tiếng Die Zeit nói rằng, lập trường của Hoa Kỳ đối với sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng Nga - Đức là thuần túy là sự “đạo đức giả”.

Nhà báo nhận xét rằng, Nga luôn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho Đức và dự án hợp tác giữa hai bên không có bất cứ ảnh hưởng gì tới hoạch định chính sách của chính quyền Berlin.

Tàu chở dầu của Pháp Gaselys được Nga thuê vận chuyển LNG cập cảng Boston, Mỹ hòi tháng 01/2018

“Quan hệ đối tác năng lượng Nga-Đức vẫn được duy trì ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh” - ông lưu ý.

Như ông Sommer lưu ý, Đức không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, vốn chiếm khoảng một nửa nguồn cung cho nước này, còn việc cung cấp nhiên liệu xanh cho các nước Đông Âu có thể được đảm bảo nhờ nguồn cung ngược trở lại.

Theo tác giả, dự án Nord Stream đã vận chuyển gần 60 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, còn “Dòng chảy phương Bắc - 2” sẽ tăng gấp đôi nguồn cung mà Đức cần trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước này dần dần từ bỏ nguồn năng lượng hạt nhân và than đá.

Theo ông Sommer, cáo buộc của Washington cho rằng Đức "tài trợ ngân sách" cho Nga bằng cách mua khí đốt là "hành động đạo đức giả", vì chính Mỹ là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga.

“Để nhập dầu từ Nga, Washington đã trả khoảng 13 tỷ USD vào năm 2019, còn trong sáu tháng đầu năm 2020 họ thậm chí đã tăng gấp đôi lượng nhập khẩu của mình” - ông Sommer nhắc lại.

Ngoài ra, trong khi đang áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện với Moscow, Mỹ vẫn mua vô khối sản phẩm quan trọng từ Nga như: Hợp kim Titan chất lượng cao, động cơ tên lửa đẩy, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)…, trong khi lại cấm đồng minh làm điều này.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dung-nghe-nhung-gi-phuong-tay-noi-3426831/