Dùng năng lượng sạch lọc nước mặn thành ngọt: Hay nhưng đắt

Để lọc nước mặn thành nước ngọt cần đầu tư lớn, nhà đầu tư chưa thấy được lợi nhuận ngay nên khó hào hứng.

Thời gian qua, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời phát triển nhanh, với nguồn công suất lớn trong khi lưới truyền tải không đồng bộ kịp dẫn tới tình trạng quá tải, sa thải công suất của nguồn điện sạch, gây lãng phí đầu tư và nợ xấu.

Trước tình trạng này, PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, sẽ rất tốt nếu kết hợp năng lượng tái tạo với các ngành công nghiệp khác để tạo ra lợi ích tổng thể cho nền kinh tế.

Chẳng hạn, có thể tận dụng năng lượng mặt trời để khoan lấy nước ngầm thay vì dùng điện lưới, sử dụng điện mặt trời để sục nuôi cá tôm, chế biến đông lạnh... Hay sử dụng năng lượng tái tạo để lọc nước mặn thành nước ngọt cung cấp cho người dân vùng hải đảo hay vùng bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt.

Theo PGS.TS Lê Văn Doanh, tại ĐBSCL, nguồn nước từ thượng nguồn ngày càng ít đi, mặn ngày càng sâu, nếu tận dụng nguồn năng lượng tái tạo để lọc nước mặn thành nước ngọt thì rất tốt. Ông biết từng có ý kiến đề xuất xây dựng nhà máy lọc nước biển thành nước mặn ở Côn Đảo, tận dụng năng lượng tái tạo để vận hành nhà máy này.

"Nếu làm được, lợi ích tổng thể mang lại là cực lớn, các nhà đầu tư không phải lo lắng khi không nối lưới được", ông nói.

Một nhà máy biến nước biển thành nước ngọt ở Kiunga, Kenya. Ảnh: GivePower.

Một nhà máy biến nước biển thành nước ngọt ở Kiunga, Kenya. Ảnh: GivePower.

Mục đích tốt đẹp là vậy, song nguyên Trưởng khoa Điện cũng lưu ý, để thực hiện việc này rất khó, bởi phải đầu tư lớn, lãi chưa chắc đã được bao nhiêu, trong khi mục tiêu của đa số các công ty đầu tư năng lượng tái tạo là bán điện lấy lợi nhuận ngay.

"Công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt đã được ứng dụng nhiều ở các quốc gia nhưng giá thành vẫn cao, tiêu tốn điện năng nhiều, chưa chắc đã mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư nên họ khó hào hứng. Nếu dễ dàng thì nước đã không trở thành đối tượng tranh giành của nhiều người, nhóm người và quốc gia", PGS.TS Lê Văn Doanh nhận xét, đồng thời dẫn chứng: Tại sao năng lượng gió, mặt trời ở ngoài hải đảo rất sẵn, nhưng các nhà đầu tư có nghĩ đến chuyện phát triển điện gió, điện mặt trời ở Phú Quốc? Vì làm thì sẽ mất mấy chục hecta đất để đặt dàn pin mặt trời hay cánh đồng điện gió? Thay vì làm như vậy, họ chỉ việc lấy điện lưới qua đường cáp ngầm dưới biển vừa dễ dàng vừa ổn định hơn, lại có đất để phát triển các dự án bất động sản.

"Cho nên, những ý tưởng phát triển năng lượng tái tạo ở hải đảo, vừa cung cấp điện vừa tận dụng để lọc nước biển thành nước ngọt hoàn toàn có thể thành hiện thực. Đây là một bài toán hay nhưng phức tạp, là lợi ích tổng thể của nhiều phía. Các nhà đầu tư không nghĩ đến lợi ích tổng thể của quốc gia mà chỉ chăm chắm bán điện lấy tiền ngay. Khi lợi ích giữa các bên khác nhau thì rất khó thực hiện", PGS.TS Lê Văn Doanh nhận xét và cho rằng, khi nguồn nước khan hiếm đến ngưỡng không thể chịu đựng được thì bắt buộc phải làm.

Còn hiện này, tình thế có phần khác. Với ĐBSCL, ông nhấn mạnh đến chính sách "thuận thiên". Bên cạnh việc sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường trữ nước thì cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Thay vì trồng lúa 3 vụ, tiêu tốn nhiều nước thì người dân ở vùng ĐBSCL chỉ trồng lúa 1 vụ, 2 vụ còn lại nuôi tôm, cá ở vùng nước lợ.

Với bài toán của năng lượng tái tạo, ông cho rằng vẫn có cách giải quyết hợp lý, hài hòa hơn là cắt giảm công suất của các dự án điện gió, điện mặt trời, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Chẳng hạn, ban ngày có điện mặt trời thì các nhà máy thủy điện lớn hoạt động với công suất thấp, đến tối khi không có điện mặt trời thì hoạt động hết công suất. Như vậy, vừa sử dụng được năng lượng mặt trời, vừa sử dụng được năng lượng của các dòng chảy, lợi ích chung của quốc gia được đảm bảo.

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, GreenID cũng kết hợp với công ty chuyên về điện mặt trời thực hiện dự án máy lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho các tỉnh khu vực ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đó chỉ là những dự án cộng đồng nho nhỏ, còn để thực hiện những dự án lớn thì rất khó vì cần đầu tư nhiều, lại chưa thể có lợi ích ngay, mà nhà đầu tư phần nhiều chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt.

"Lọc nước biển thành nước ngọt rất đắt. Các quốc gia Địa Trung Hải có thể phát triển các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt vì họ giàu, và nếu so với việc nhập từ bên ngoài thì làm nhà máy lọc nước chi phí rẻ hơn.

Các nhà đầu tư luôn tính đến hiệu quả kinh tế, cho nên ở thời điểm này Việt Nam khó làm nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt dù có muốn tận dụng năng lượng tái tạo", ông Trần Đình Sính nhận xét.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/lien-hiep-hoi/dung-nang-luong-sach-loc-nuoc-man-thanh-ngot-hay-nhung-dat-3433463/