Dùng mô hình mô tả tình trạng tắc nghẽn giao thông để dự báo thời tiết

Khi nghiên cứu mô hình các luồng không khí khổng lồ di chuyển ở phần trên tầng đối lưu, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện thấy có sự giống nhau với mô hình mô tả tình trạng tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc. Phát hiện này hữu ích đối với việc dự báo các hiện tượng thời tiết bất thường như hạn hán và lũ lụt.

Các luồng không khí khổng lồ cũng có giới hạn tốc độ, cũng bị nghẽn như xe cộ lưu thông trên đường - Ảnh: Reuters

Các luồng không khí khổng lồ cũng có giới hạn tốc độ, cũng bị nghẽn như xe cộ lưu thông trên đường - Ảnh: Reuters

Theo EurekAlert, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra lời giải thích đơn giản cho những thay đổi thời tiết bất thường do các khối không khí khổng lồ đang di chuyển bị dừng đột ngột. Theo họ, từ nay trở đi có thể dự đoán được hạn hán và lũ lụt bằng cách sử dụng mô hình mô tả sự lưu thông của xe cộ trên đường cao tốc.

Các luồng không khí khổng lồ ở độ cao uốn lượn như “các dòng sông của gió” ở phần trên tầng đối lưu với vận tốc lớn hơn 25 m/s. Các luồng khí đó thường hướng về phía đông có thể kéo dài hàng nghìn km. Chúng chuyển các khối không khí vô cùng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời tiết và do sự hỗn loạn mạnh, chúng gây nguy hiểm cho máy bay. Chúng có thể đột nhiên hình thành, biến mất thình lình, chia thành nhiều nhánh hoặc hợp nhất thành một luồng.

Những luồng không khí ở độ cao như vậy hình thành do hai yếu tố: ánh nắng Mặt trời làm nóng không khí và hiệu ứng Coriolis do chuyển động quay của Trái Đất quanh trục của nó. Những luồng không khí đó đôi khi dừng lại hoặc xoắn với nhau. Chính hiện tượng này là nguyên nhân gây nắng nóng bất thường ở châu Âu vào năm 2003, siêu bão Sandy vào năm 2012 ở Mỹ và hạn hán ở California vào năm 2014. Tất cả những thay đổi này khiến các nhà khí tượng học rất ngạc nhiên, vì đã thất bại trong việc dự báo.

Khi nghiên cứu các phương trình có thể mô tả hoạt động của các luồng không khí đó, các nhà khoa học Nhật Bản bất ngờ nhận thấy rằng mô hình của chúng gần giống với mô hình toán học mô tả tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Rõ ràng, các luồng không khí ở độ cao đó cũng có giới hạn tốc độ nhất định, sau đó, chúng dừng lại. Khi có sự hội tụ của một số luồng không khí hoặc khi trên đường lưu thông của chúng xuất hiện một trở ngại, làm chậm tốc độ chuyển động, chẳng hạn như bờ biển hoặc những rặng núi thì cũng hình thành những “đoạn nghẽn không khí” y như các đợt tắc nghẽn giao thông.

Phát hiện được công bố trên tạp chí Science của các nhà khoa học Nhật Bản sẽ giúp dự báo thời tiết chính xác hơn. Các nhà khoa học lưu ý rằng điều này liên quan nhiều hơn đến những thay đổi dài hạn trên quy mô lớn và sẽ giúp dự đoán được tình trạng hạn hán và lũ lụt.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/dung-mo-hinh-mo-ta-tinh-trang-tac-nghen-giao-thong-de-du-bao-thoi-tiet-88979.html